CNN ngày 29/10 dẫn tuyên bố của NASA cho biết, tên lửa Antares mang theo tàu vũ trụ Cygnus chở hơn 2,2 tấn hàng, thiết bị thí nghiệm cho Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) phát nổ vào tối 28/10 (29/10, giờ Việt Nam) chỉ 6 giây sau khi rời bệ phóng tại căn cứ vũ trụ Wallops, Virginia.
Hình ảnh từ truyền hình cho thấy, tên lửa Antares được phóng đi từ từ vào bầu trời đêm trước khi bất ngờ biến thành quả cầu lửa khổng lồ. Những gì còn sót lại của tàu vũ trụ và tên lửa đổ ầm xuống mặt đất, làm bùng lên ngọn lửa lớn kéo dài dọc bờ biển Virginia, trông như một biển lửa.
Uy tín giảm mạnh
Không ai bị thương hoặc thiệt mạng dù Đài truyền hình chiếu cảnh xe cấp cứu hú còi chạy điên cuồng. Tuy nhiên, thiệt hại vật chất rất lớn khi hơn 2,2 tấn hàng hóa về các thiết bị thí nghiệm khoa học, tên lửa, tàu vũ trụ, bị phá hủy.
Ông Frank Culbertson - Tổng giám đốc Tập đoàn Orbital Sciences vốn có nhiệm vụ thực hiện chuyến đi này theo hợp đồng với NASA - cho biết, tên lửa và tàu vũ trụ có chi phí hơn 200 triệu USD. Ngoài ra, theo thông tin mới nhất, chuyến bay còn mang theo thiết bị tối mật.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, thiệt hại lớn nhất là uy tín của NASA đã bị giảm mạnh, đẩy cơ quan này vào giai đoạn đầy khó khăn. “Vụ việc lần này thực sự cho thấy những khó khăn trong nhiệm vụ cung cấp hàng hóa cho ISS”, quan chức NASA Bill Gerstenmaier cho biết.
Cổ phiếu Orbital Sciences giao dịch ngày 29/10 giảm 15,5%, xuống mức thấp nhất trong 2 tháng qua. Căn cứ Wallops của NASA nằm trên vùng bờ biển Virginia nhìn ra Đại Tây Dương, từng phóng thành công hàng trăm lượt tên lửa vào quỹ đạo.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi chuyển sang khai thác theo hình thức tư nhân với nhiệm vụ cung cấp hàng hóa lên ISS, NASA gặp thất bại nặng nề.
Vụ việc lần này cũng phản ánh sự phụ thuộc ngày càng tăng của NASA vào các Cty tư nhân trong thời kỳ hậu tàu con thoi. NASA đang phải trả hàng tỷ USD để Orbital Sciences và Cty SpaceX thực hiện giao hàng lên ISS. Theo kế hoạch, SpaceX sẽ tiếp tục giao hàng lên ISS vào ngày 9/12 tới, theo hợp đồng riêng biệt với NASA trị giá 1,6 tỷ USD.
Thật may mắn, việc tàu chở hàng Tiến bộ M-25M của Nga đến ISS, chỉ 14 giờ sau vụ nổ ở Virginia, giúp khắc phục những khó khăn mà tàu Cygnus đặt ra cho các phi hành gia ở vũ trụ.
Tàu này mang theo 2,5 tấn hàng, trong đó có nhiên liệu, thực phẩm, nước uống, oxy cũng như các thiết bị khoa học khác. Sau vụ tai nạn lần này, Nga cũng đề xuất giúp đỡ Mỹ vận chuyển hàng hóa lên ISS.
Tên lửa Antares phát nổ chỉ 6 giây sau khi được phóng đi. Ảnh: AP |
Nguyên nhân do động cơ AJ-26?
Tập đoàn Orbital Sciences cam kết sẽ tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn lần này đồng thời cảnh báo người dân không chạm vào bất kỳ mảnh vỡ nào vì có những vật liệu nguy hiểm.
Khó khăn đặt ra là “những gì chúng ta biết cho đến nay chỉ là những hình ảnh nhìn thấy trên truyền hình” đúng như nhận định của Phó Chủ tịch điều hành của Orbital Sciences, Frank Culbertson. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân có thể do việc sử dụng động cơ AJ-26.
Động cơ AJ-26 do Aerojet Rocketdyne - Cty con của Tập đoàn GenCorp - sản xuất. Đây là phiên bản nâng cấp của tên lửa NK-33 thời Liên Xô cũ.
Hồi tháng 5, một động cơ AJ-26 phát nổ trong thử nghiệm mặt đất tại Trung tâm vũ trụ Stennis của NASA ở Mississippi. Tuy nhiên, lần đó, Orbital Sciences và Aerojet không nói rõ, nguyên nhân do hư hỏng động cơ.