Thắp sáng lòng nhân ái cho học trò

GD&TĐ - Những năm gần đây, công tác thiện nguyện của nhà trường khắp cả nước đã góp phần chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn khắp các vùng miền. 

Học sinh Trường THPT số 1 TP Lào Cai phát cháo miễn phí cho bệnh nhân (Ảnh nhân vật cung cấp)
Học sinh Trường THPT số 1 TP Lào Cai phát cháo miễn phí cho bệnh nhân (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đặc biệt, sự chia sẻ ấy hướng tới đối tượng bệnh nhân trong các bệnh viện, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hoạt động này đã thắp sáng lòng nhân ái trong các em học sinh tham gia, đề cao đạo lý “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam. 

Lá lành đùm lá rách

Hoạt động thiện nguyện (TN) của các trường học nhiều nơi đã trở thành phong trào tổ chức thường xuyên, liên tục. Tùy theo đặc thù từng vùng miền, các chủ đề TN gắn với từng phong trào như: “Nuôi heo đất”, “Thắp sáng những ước mơ”, “Thầy giúp trò nghèo vượt khó”, “Tiếp sức đến trường”, “Nồi cháo yêu thương”…

Nhìn hơn 500 HS Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) cùng các phụ huynh tham gia chương trình “Thắp sáng yêu thương” tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương ai cũng cảm động. Thậm chí, nhiều giọt nước mắt đã lăn trên má khi chứng kiến các em tặng quà cho các bệnh nhi nặng, khi dịch chuyển vẫn mang theo bình truyền thuốc bên người, tóc đã rụng hết sau đợt hóa trị.

Cô Lê Kim Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chuyến tàu yêu thương của Trường THCS Cầu Giấy có tình yêu thương của các bậc phụ huynh, dành chia sẻ với bệnh nhi và gia đình, truyền tải thông điệp nhân văn “Từ trái tim đến trái tim”, “Lá lành đùm lá rách”. Đặc biệt ý nghĩa hơn khi tổng giá trị quà tặng của nhà trường khoảng 100 triệu đồng, do học sinh tự tay làm và bán các sản phẩm để gây quỹ tại Hội chợ Đêm hội trăng rằm”.

Là phụ huynh đưa con đến tham dự chương trình, anh Vũ Văn Khôi cho biết: “Hôm nay con có buổi học thêm nhưng tôi đưa con đến tham dự để qua chương trình mong con cảm nhận tình yêu thương của cha mẹ, từ đó biết chia sẻ, lan tỏa yêu thương đến các hoàn cảnh khó khăn, nhất là các cháu bệnh nhi”.

Những năm qua, trường học nhiều tỉnh, thành cả nước đã có các hoạt động TN ủng hộ học sinh và đồng bào dân tộc vùng khó khăn. Thủ đô Hà Nội là một trong những điểm sáng của phong trào giúp đỡ thầy, trò vùng khó. Tiêu biểu như Trường THCS Trưng Vương kết nghĩa với Trường PTDT nội trú Tiểu học và THCS Lao Chải (Mù Cang Chải, Yên Bái) suốt hàng chục năm. Cuối năm học, nhà trường tổ chức quyên góp áo đồng phục cũ, sách vở… của HS cuối cấp, giặt sạch sẽ, mang tặng cho HS Lao Chải. Hay Trường Tiểu học Nam Thành Công hàng năm tổ chức đợt TN lên các trường miền núi phía Bắc tặng quà cho HS nghèo.

Lan tỏa lòng nhân ái

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Lào Cai) cho biết: “Các trường học ở Lào Cai tổ chức nhiều hoạt động TN rất ý nghĩa, thực sự đã lan tỏa, thắp sáng được tình yêu thương của các em HS dành cho những mảnh đời kém may mắn trong cộng đồng. Đơn cử như thầy cô giáo Trường THPT số 3 kêu gọi xã hội hóa đồ dùng học tập cho HS, tu sửa xe đạp cũ xin được dành tặng cho HS đi học xa nhà đến trường không phải đi bộ.

Còn Trường THPT số 1 TP Lào Cai đã thực hiện chương trình “Nồi cháo yêu thương” dành cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Sản nhi của tỉnh vào các buổi trưa Chủ nhật hàng tuần. Từ việc đi thăm người nhà trong viện, HS thấy nhiều hoàn cảnh nghèo, đã đề xuất ý tưởng của mình với Ban Giám hiệu. Khi được chấp thuận, cùng với sự trợ giúp của thầy cô và ban phụ huynh “Nồi cháo yêu thương” đã đồng hành được một năm cùng các bệnh nhân và người nhà. Mỗi lần, các em HS phát miễn phí được khoảng 150 bát cháo, do chính tay các em nấu”.

Trần Khánh Linh, học sinh lớp 9A7, Trường THCS Cầu Giấy chia sẻ: “Đến bệnh viện, nhìn bệnh nhi con rất thương và đồng cảm vì các em còn quá nhỏ mà đã mắc phải bệnh hiểm nghèo. Sau mỗi chuyến TN, sẽ là động lực để giúp con cố gắng nhiều hơn nữa trong học tập. Đặc biệt, con mong muốn có nhiều chương trình ý nghĩa như thế này lan tỏa trong cộng đồng, tạo ra văn hóa từ thiện để giúp đỡ các em nhỏ về mặt tinh thần, cố gắng vượt qua nỗi đau bệnh tật”.

Chị Đặng Thị Nhuận, dân tộc Dao, ở Tả Phìn (Hà Giang) có con gái Lý Gia Hân 27 tháng tuổi điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tâm sự: Được các nhà hảo tâm đến tặng quà cho con tôi rất biết ơn. Con tôi vừa có quà tặng, còn có thêm tiền trợ giúp để điều trị bệnh. Nhà nghèo, lần trước điều trị trong viện 12 ngày, chi phí hết gần 10 triệu đồng, vợ chồng tôi phải vay mượn. Lần này cháu đi viện, gom góp đi làm thuê được 4 triệu đồng chúng tôi vẫn phải vay thêm 5 triệu đồng mang đi chữa bệnh cho con.

Thầy Hoàng Viết Hưng ở Trường Tiểu học Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đã có 15 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn 135. Thầy được mệnh danh là một trong số giáo viên sáng kiến nhiều phong trào hay của trường như phong trào “Trò giúp trò vượt khó” đã được nhiều HS hưởng ứng; HS nhận và giúp đỡ bạn khuyết tật biết đọc, biết viết, biết tính toán. Hoặc “Giải pháp Chung tay xây dựng góc học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn” đã được Chi đoàn và phụ huynh các thôn, bản hưởng ứng tích cực, hiệu quả.

Thầy Hưng còn vận động HS đóng góp mỗi tháng 2.000 đồng bằng nhặt phế liệu hoặc tiết kiệm, giáo viên chủ nhiệm lớp mỗi tháng góp tối thiểu 20.000 đồng, phụ huynh đóng góp tùy tâm đã gây quỹ cho phong trào “Tiếp sức đến trường”. Quỹ này giao cho HS phụ trách, dùng trao phần thưởng cho HS có thành tích học tập tốt trong tháng, trong mỗi học kì và trong cả năm học.

Có thể thấy, công tác TN tại các nhà trường đã, đang bồi đắp giá trị đạo đức, thắp sáng lòng nhân ái cho học trò, rèn các em là người tử tế, biết yêu thương và chia sẻ với mảnh đời kém may mắn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.