“Thập diện mai phục” ở Syria

GD&TĐ - Những ngày qua, các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn đã bắt đầu một cuộc tấn công mới vào Raqqa, trung tâm của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở miền Nam Syria. 

Lực lượng dân quân vũ trang do Mỹ hậu thuẫn đã áp sát khu vực 
Bắc Raqqa
Lực lượng dân quân vũ trang do Mỹ hậu thuẫn đã áp sát khu vực Bắc Raqqa

Một số tín hiệu cho thấy các lực lượng này có thể đoạt được mục tiêu đã nhắm từ lâu này một cách dễ dàng. Tuy nhiên, mặc dù các cánh quân mạnh nhất của IS đã rút khỏi thành phố, nhưng khó có chuyện các tay súng đang cố thủ sẽ dễ dàng đầu hàng hay rút chạy…

Điểm nóng Deir al-Zour

Cuộc tấn công vào “thủ đô” của IS không chỉ là cuộc tấn công vào căn cứ cuối cùng của tổ chức khủng bố này tại Syria, mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định tương lai của Syria và các động thái sau chiến tranh ở khu vực này.

Với mức đặt cược quá cao, cả Mỹ, Iran và Nga đều đang cố gắng giành lợi thế. Mỗi quốc gia đều xây dựng lực lượng và máy bay tiêm kích. Ngày càng có nhiều cuộc xung đột diễn ra khiến tình hình có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến lớn hơn rất nhiều.

Tuần qua, tiêm kích của Mỹ đã bắn hạ một phi cơ lớn do Iran sản xuất. Phi cơ bị bắn hạ khi đang xả súng vào những người lính Syria do người Mỹ hậu thuẫn, với sự hiện diện trực tiếp của các cố vấn Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ. Tất cả các lực lượng tham chiến đều tập trung vào Deir al-Zour, nơi đóng quân của IS cùng khoảng 200.000 người dân. Khu vực tranh chấp còn mở rộng ra các sa mạc xa hơn về phía Nam, bao gồm một số đoạn biên giới, đường cao tốc nối Damascus và Baghdad – con đường mà phía Iran hằng mong muốn nó trở thành tuyến đường bộ tới Lebanon và đồng minh của nước này – các chiến binh Hezbollah người Shiite.

Chiến dịch đã khởi động, nhưng những điều ẩn sau đó còn lớn hơn nhiều. Liệu chính phủ Syria có tái lập được quyền kiểm soát tới biên giới phía Đông của đất nước? Liệu vùng sa mạc nằm vắt ngang biên giới Syria – Iraq có thoát khỏi cảnh miền đất vô chủ, mặc cho các tay súng hoành hành? Nếu có, thì ai sẽ là người quản lý vùng đất đó: Lực lượng liên kết với Iran, Nga hay Mỹ? Phe phái nào của Syria sẽ có ảnh hưởng mạnh nhất?

Có thể nói, đây là thời điểm quan trọng của cuộc xung đột ở Syria. Người Mỹ muốn ngăn cản sự hình thành của cái gọi là ảnh hưởng “trăng lưỡi liềm Shiite” từ Iran tới Lebanon, đồng thời cũng muốn duy trì “một phần nào đó những gì đang diễn ra ở Syria”. Nước Mỹ sẽ không cho phép Iran và những người ủng hộ chiến thắng trong cuộc chiến với Mỹ tại khu vực này. Đó là nguyên nhân khiến Mỹ lâm vào xung đột với liên minh chính phủ ở Syria, đặc biệt là Hezbollah và Iran. Thêm vào đó, khi Tổng thống Donald Trump có các đối tác mới là người Sunni ở Ả-rập Xê-út và Vịnh Ba Tư, vốn cũng đang quyết liệt chống Iran, thì Tehran và các đồng minh càng phải tỏ ra cứng rắn hơn.

Bát quái trận đồ

Thực tế từ cuối tuần vừa qua, các lực lượng ủng hộ chính phủ đã có một bước tiến đáng kể về phía biên giới Iraq, cắt đứt đội quân do Mỹ hậu thuẫn, chặn đường tiến quân của họ tới mặt trận chống IS ở Deir al-Zour.

Đồ hình các lực lượng tham gia cuộc chiến khá phức tạp. Di chuyển từ phía Đông Syria là Liên minh ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad, bao gồm quân đội Syria và quân đội do Iran hậu thuẫn, được hỗ trợ bởi không quân Nga và các cố vấn Iran. Từ biên giới Jordan, phiến quân Syria tiến về phía Bắc. Đây là các nhóm quân từng đối đầu với chính phủ, nhưng đã được Mỹ, Anh và Na Uy huấn luyện và quay súng cùng tham gia mặt trận chống IS. Nhóm này có một đội quân gần biên giới Jordan và Iraq, gần đường cao tốc Baghdad, và thường xuyên nhận hỗ trợ từ không quân của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu.

Còn phải kể đến một lực lượng nữa, được gọi là Dân chủ Syria, với sự dẫn dắt bởi các lực lượng dân quân người Kurd, đã thiết lập một khu vực bán tự trị của người Kurd ở phía Bắc Syria khiến nhiều người Ả Rập lo ngại. Người Mỹ buộc phải tìm cách xoa dịu những lo ngại bằng cách chỉ ra rằng lực lượng này có một nửa là người Ả Rập; đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ giao lại các khu vực mà họ đã lấy lại được cho các hội đồng dân sự địa phương.

Chi tiết cuối cùng, tại Iraq, các quân dân người Shiite Iraq được Iran ủng hộ đã tiến về phía Tây, hướng biên giới với Syria. Những mối tương quan lực lượng rắc rối, phức tạp đến khó tin tại điểm nóng này khiến nhiều người lo ngại sẽ có những cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Iran, thậm chí là cả nước Nga.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ