Thấp còi do thiếu vi chất dinh dưỡng

GD&TĐ - Vi chất dinh dưỡng là thuật ngữ chung chỉ các loại vitamin và khoáng chất mà cơ thể con người cần cho các chức năng sống trong suốt cuộc đời. Vi chất dinh dưỡng tuy rất nhỏ nhưng lại đóng vai trò quan trọng, giúp trẻ phát triển toàn diện nên thiếu bất kỳ vi chất nào đều khiến trẻ có thể bị thấp còi, suy dinh dưỡng, trí não chậm phát triển…

Thấp còi do thiếu vi chất dinh dưỡng

Tình trạng thiếu vitamin A vẫn như thời nghèo khó

Điều tra của Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) tại 36 xã/phường của 9 tỉnh, thành thuộc 3 khu vực/vùng thành thị nông thôn và miền núi trên đối tượng gồm trẻ em 6 - 59 tháng, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú dưới 12 tháng cho thấy vẫn có tới 13% trẻ thiếu vitamin A tiền lâm sàng. Tương tự, tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp (gần 35%), điều này cho thấy khẩu phần vitamin A của mẹ cho con bú chưa đủ. Một trong những lý do khiến con số này thấp là chỉ 42% sản phụ uống viên nang vitamin A trong vòng một tháng sau đẻ.

PGS. TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết: Những con số này không hề thay đổi trong suốt thời gian dài. Hiện nhóm tuổi được uống vitamin A là 6 - 36 tháng trong khi nhiều nhóm khác cũng cần được quan tâm nhưng nguồn lực có hạn. Với nhóm trẻ 37 - 60 tháng, nhiều người nghĩ bữa ăn đã cung cấp đủ vitamin. Tuy nhiên, kinh nghiệm 20 năm qua cho thấy mức thiếu vitamin A tiền lâm sàng vẫn giữ ở mức trung bình. Việc nhiễm giun, nhiễm khuẩn, sởi cũng khiến nhu cầu vitamin A tăng lên, dẫn đến thiếu.

Ngoài vitamin A, thiếu máu, thiếu sắt và kẽm vẫn là các vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng năm 2014 - 2015 cho thấy, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ dưới 5 tuổi là 27,8%, trong đó trẻ miền núi là 31,2%. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8%, phụ nữ không có thai là 25,5%. Với kẽm, có tới 69,4% trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu, đặc biệt rất cao ở miền núi (80,8%). Thiếu kẽm không chỉ xảy ra với trẻ em mà phụ nữ tuổi sinh đẻ cũng thiếu kẽm nghiêm trọng. Cả nước có 63,6% phụ nữ tuổi sinh đẻ thiếu kẽm.

Thông thường, thiếu vi chất dinh dưỡng là do khẩu phần ăn của người dân không cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng cho nhu cầu cơ thể. Theo điều tra, khẩu phần ăn của người Việt không đáp ứng đủ 100% nhu cầu về các vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, vi chất dinh dưỡng từ thức ăn có nguồn gốc động vật có giá trị sinh học cao hơn, cơ thể dễ hấp thu và sử dụng hơn so với thức ăn có nguồn gốc thực vật nhưng các thức ăn từ động vật thường có giá thành cao nên làm giảm sự tiếp cận thường xuyên của người dân với nguồn thức ăn này. Tình trạng này phổ biến hơn ở nông thôn, miền núi, vùng khó khăn.

Cuộc chiến bền bỉ

Bữa ăn trong gia đình đã vậy, tại trường học, phần lớn khẩu phần ăn của trẻ cũng không đáp ứng được nhu cầu. Khảo sát tại một số trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, bữa ăn học đường mới đáp ứng được 97,5% nhu cầu vitamin C, 75% nhu cầu vitamin B1, 53,8% nhu cầu sắt và 70% nhu cầu canxi, 60% năng lượng… hàng ngày theo khuyến cáo. Bữa ăn không đủ chất khiến tỷ lệ trẻ thiếu cân là 14,5% và cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thấp còi. Với trẻ tiểu học, khẩu phần ăn cũng nghèo nàn không kém. Điều tra trẻ 9 - 11. 9 tuổi, lượng canxi được cung cấp trong bữa ăn hàng ngày mới dừng lại ở mức 45%, 76% vitmain B1, 76% năm lượng, 43% vitamin A, sắt và lipid tương tự là 54% và 53%.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, bữa ăn không đủ dinh dưỡng do cha mẹ, người nấu ăn không hiểu rõ vai trò của dưỡng chất. Sai lầm phổ biến nhất của các bậc cha mẹ là hạn chế tỷ lệ chất béo trong bữa ăn của trẻ trong khi nhu cầu chất này ở trẻ dưới 2 tuổi là 80% và giảm dần theo tuổi nhưng cũng phải ở mức 30%. Tình trạng trên xảy ra tương tự với các vitamin và khoáng chất khác nên cơ cấu bữa ăn của người Việt nhiều năm qua có sự thay đổi về lượng thịt nhưng trứng, sữa, cá, rau lại không tăng tương ứng dẫn đến gánh nặng kép về thừa cân - béo phì và suy dinh dưỡng cùng tồn tại song hành ở trẻ.

Nói vậy để thấy rằng phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là cuộc chiến bền bỉ, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của người dân rồi đến hành vi. Đa dạng thực phẩm để bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể là việc làm cần thiết với trẻ em và người trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Có như vậy mới đảm bảo tương lai tốt đẹp cho trẻ ngay từ khi còn trong bào thai.

Thiếu vi chất dinh dưỡng được gọi là nạn đói tiềm ẩn do khó phát hiện. Thiếu vi chất có thể biểu hiện thành các triệu chứng rầm rộ như thiếu máu, khô mắt do thiếu vitamin A. Nhưng đôi khi thiếu vi chất lại tác động đến sự tăng trưởng và phát triển cả thể chất, trí tuệ thì phải mất thời gian dài để phát hiện và đôi khi không thể khắc phụ hậu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ