Tháo gỡ “bài toán” vắc-xin

GD&TĐ - Nhận thức được rằng “không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn”, nhóm G7 đã công bố các bước bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng tiếp cận công bằng và hợp lý đối với ắc-xin Covid-19.

Tháo gỡ “bài toán” vắc-xin

Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, đến nay, chỉ có 10 quốc gia chiếm 75% tổng số vắc-xin chủng ngừa Covid-19. Trước sự bất bình đẳng đó, G7 đã đồng ý tăng viện trợ liên quan đến đại dịch lên 7,5 tỷ USD. G7 đồng thời kêu gọi các quốc gia khác, bao gồm các nước G20 và tổ chức đa phương, tăng cường hỗ trợ những nước đang phát triển, thông qua Cơ chế COVAX hoặc quyền truy cập vào Bộ Tăng tốc công cụ Covid-19.

Những hành động này được coi là điều đúng đắn, vì những rủi ro mà các nước đang phát triển phải đối mặt. Trừ khi phần còn lại của thế giới thành công trong việc chống lại virus SARS-CoV-2, các biến thể mới sẽ sinh sôi nảy nở. Những biến chủng đó đối đầu với các nền kinh tế tiên tiến. Và, hàng loạt kịch bản được - mất - có thể... dường như không bao giờ kết thúc.

Giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các biến thể gây bất ổn hơn là điều vô cùng quan trọng, nếu các quốc gia muốn thoát khỏi thảm họa đã và đang tàn phá cuộc sống.

Đây không còn là cuộc đua đơn thuần nữa. Giờ đây, tất cả các quốc gia đều đang cổ vũ cho việc chủng ngừa Covid-19 để đánh bại không chỉ virus ban đầu, mà còn cả các biến thể mới.

Nếu điều này không xảy ra, nhiều quốc gia - và đặc biệt là những quốc gia đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm ca nhiễm và sử dụng vắc-xin - sẽ nhiều lần phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn. Họ hoặc là có nguy cơ bị “xâm chiếm” bởi một biến thể mới từ nước ngoài, hoặc phải cắt giảm mạnh “dòng chảy” công dân, cư dân và du khách. Và, không có lựa chọn nào được cho là dễ dàng.

Bên cạnh đó, biện pháp thay thế ở đây bao gồm việc giúp đỡ những người khác trong trận chiến chống lại Covid-19 đã trở thành ưu tiên quốc gia, đặc biệt là đối với các nước phương Tây và đồng minh của họ.

Hiện nay, Trung Quốc đã nâng cao ảnh hưởng và vị thế trên toàn cầu, thông qua “ngoại giao khẩu trang”. Quốc gia này cho thấy, mô hình quản trị của họ hiệu quả hơn các nước phương Tây trong việc vượt qua những nghịch cảnh không lường trước được.

Giờ đây, Trung Quốc đang bận rộn trong việc cung cấp vắc-xin và Nga cũng vậy. Ví dụ, Tổ chức cung cấp vật tư y tế châu Phi gần đây đã thông báo rằng, Liên minh châu Phi đã được cung cấp 300 triệu liều vắc-xin Sputnik V của Nga. Nga đồng thời tài trợ cho các quốc gia đang cần vắc-xin Covid-19.

Một cách tiếp cận hiệu quả của G7 nhằm giúp việc tiêm chủng phổ biến hơn đối với các nước đang phát triển được coi là động thái “ghi điểm” trong lòng người dân. Quyết định này cũng phù hợp với mục tiêu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về hội nhập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ