Nhưng các điểm bùng phát dịch đang thách thức “thành trì không virus” này.
Hôm 26/10, Trung Quốc bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa đối với Lan Châu, thành phố vùng Tây Bắc có 4 triệu dân, nhằm khống chế ổ dịch sau khi ghi nhận 24 ca nhiễm trong cộng đồng một ngày.
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh các tỉnh, thành miền Bắc Trung Quốc cũng đang nâng cao các biện pháp chống dịch khẩn cấp sau khi ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới trong cộng đồng một tuần qua.
Hiện đợt dịch mới đã lan ra 11 tỉnh và thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Trước Lan Châu một ngày, nước này cũng phong tỏa một huyện giáp biên giới Mông Cổ vì xuất hiện ổ dịch trong cộng đồng.
Phong tỏa chặt hiện vẫn là vũ khí quen thuộc của Trung Quốc để ngăn chặn các làn sóng lây nhiễm mới. Trong 5 tháng gần đây, chính sách chống dịch chặt chẽ nhất thế giới này đã giúp Trung Quốc 3 lần đưa số ca nhiễm về 0.
Với quy mô dân số lớn nhất thế giới, chiến lược chống dịch cực đoan của Trung Quốc đến nay vẫn chứng minh tính hiệu quả. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các biến chủng nguy hiểm như Delta, các dấu hiệu dịch cho thấy chiến lược này đang ngày càng đối mặt với thách thức lớn hơn.
Các đợt dịch liên tục đang xuất hiện ở nhiều nơi với tần suất dày đặc hơn. Khoảng cách giữa các đợt bùng phát dịch đã thu hẹp đáng kể, từ 2 tháng giai đoạn cuối 2020 xuống chỉ còn 12 ngày kể từ tháng 5/2021 đến nay.
Các chuyên gia quốc tế đang theo dõi liệu với áp lực và làn sóng lây nhiễm mới Trung Quốc sẽ duy trì chiến lược “xây thành trì sạch bóng Covid-19” trong bao lâu nữa. Hệ thống chống dịch của Trung Quốc hiện nay bao gồm những biện pháp chặt chẽ nhất mà thế giới có thể làm là phong tỏa biên giới nghiêm ngặt, xét nghiệm trên diện rộng, truy vết triệt để và hạn chế đi lại tối đa.
Australia, New Zealand và nhiều nước Đông Nam Á từng duy trì mô hình chống dịch như Trung Quốc, nhưng do sự tấn công của biến thể Delta, các nước đã lần lượt phải từ bỏ việc theo đuổi sạch bóng Covid và tìm cách sống chung với dịch. Nguyên nhân vì virus đã ngấm quá sâu vào cộng đồng và việc đưa số ca nhiễm về 0 ở các nước này là điều không thể.
Việc Trung Quốc vẫn kiên trì với biện pháp chống dịch mà nhiều nước đã từ bỏ cũng khiến nước này phải đánh đổi về mặt kinh tế. Năm ngoái Trung Quốc là nước lớn duy nhất có mức tăng trưởng kinh tế dương, nhưng năm nay đà tăng trưởng này được dự báo sẽ chững lại do chi phí chống dịch theo kiểu triệt để quá tốn kém và ảnh hưởng nặng đến các ngành kinh tế, dịch vụ.
Chiến lược của Trung Quốc cũng đang đi ngược với xu hướng toàn cầu khi các nước đều đã xác định sống chung với dịch, sử dụng độ phủ vắc-xin làm vũ khí hạn chế bệnh nhân nặng và số ca tử vong vì Covid-19.
Tuy nhiên, bất chấp các áp lực về kinh tế cũng như thách thức của các biến chủng, Trung Quốc được dự đoán sẽ còn tiếp tục duy trì chiến lược chống Covid-19 độc nhất của mình ít nhất đến tháng 2/2022.
Đây là thời điểm dự kiến diễn ra Olympic mùa Đông Bắc Kinh và Trung Quốc chắc chắn sẽ muốn làm mọi cách đảm bảo môi trường dịch bệnh được kiểm soát khi sự kiện quy mô lớn này được tổ chức.