Thanh tra Chính phủ xác định có vi phạm trong việc Cấp phép khoáng sản ở Bộ TN&MT

GD&TĐ - Nhiều vi phạm tại Bộ TN&MT được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, đề nghị xử lý cán bộ cố tình trì hoãn, nhũng nhiễu với người dân, doanh nghiệp.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản vi phạm.
Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản vi phạm.

Không đủ điều kiện, quá thời hạn vẫn cấp phép

TTCP vừa có thông báo công bố kết luận trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ TN&MT. Hàng loạt vi phạm, khuyết điểm, hạn chế tại Bộ TN&MT được TTCP liệt kê.

Cụ thể, TTCP chỉ rõ, Bộ TN&MT đã thực hiện quy trình cấp phép khai thác khoáng sản không đúng quy định đối với hồ sơ cấp phép thăm dò khoáng sản của Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Đông Bắc.

Công ty này lập hồ sơ xin giấy phép thăm dò Puzolan tại khu vực Núi Lé, xã Quảng Thành (Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) có báo cáo tài chính gửi kèm không hợp lệ (thiếu chữ ký của người lập và kế toán trưởng). Tuy nhiên, đơn vị này vẫn được cấp giấy phép là thực hiện không đúng quy định về yêu cầu điều kiện cấp giấy phép thăm dò khoáng sản.

Đối với trường hợp cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khoáng sản Yên Bái khai thác mỏ đá hoa khu vực Minh Tiến II (huyện Lục Yên, Yên Bái) cũng được TTCP chỉ rõ sai phạm.

TTCP dẫn chứng trong báo cáo: Khu vực mỏ đá hoa có giai đoạn quy hoạch từ năm 2008 tới 2015, tại thời điểm doanh nghiệp xin cấp giấy phép đã quá thời kỳ quy hoạch khoáng sản nhưng hồ sơ vẫn được chấp thuận là không đúng quy định của Luật Khoáng sản được quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 53 Luật Khoáng sản về yêu cầu điều kiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Trường hợp Công ty TNHH Xây dựng thương mại bất động sản Minh Nhật Phát khai thác đá granite làm ốp lát tại tỉnh Khánh Hòa; cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Khoáng sản và Xây dựng HAT khai thác mỏ kaolin - felspat tại tỉnh Phú Thọ còn tồn tại nhiều khuyết điểm.

Kết luận thanh tra cũng nêu rõ việc Bộ TN&MT yêu cầu Công ty cổ phần Nam Châu Sơn Ninh Thuận nộp tài liệu hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép thăm dò đá granite làm ốp lát khu vực núi Mavieck 5 (tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) ở tất cả 3 bước đầu tiên là không đúng Nghị định 158/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.

Quá trình thanh tra, TTCP phát hiện việc giải quyết thủ tục hành chính đều có tồn tại, hạn chế, khuyết điểm ở một số lĩnh vực thủ tục hành chính ở Bộ TN&MT như: Việc tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị còn chậm, bị quá hạn cao (lĩnh vực môi trường trả lời quá hạn chiếm gần 29%; lĩnh vực khoáng sản, chiếm tỷ lệ 55%; lĩnh vực biển và hải đảo chiếm 75%).

cap-phep-khoang-san-o-bo-tnmt-xac-dinh-co-vi-pham-1-8292-5995.jpg

Giải quyết chậm

Theo báo cáo Bộ TN&MT với TTCP, vừa qua đơn vị này đã thực hiện số hóa đối với các hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ước tính đạt khoảng 30% tổng số các hồ sơ TTHC, kết quả được công khai trên Cổng dịch vụ công của Bộ TN&MT (năm 2021), công khai kết quả bản điện tử 1.600/2.090 hồ sơ giải quyết TTHC được công khai, đạt 76,5%; năm 2022 công khai 1.608/2.654 hồ sơ, đạt 60,6%; năm 2023 công khai 1.946/2.532 hồ sơ, đạt 76,8%.

Bộ TN&MT có 6/26 quyết định công bố danh mục TTHC chậm theo quy định đối với các lĩnh vực như: Đất đai, môi trường và tài nguyên nước, khoáng sản, biển và hải đảo. Ngoài ra, có 2 quyết định công bố thể hiện không chính xác nội dung quy định về TTHC (Quyết định số 87/QĐ-BTNMT ngày 14/1/2022 và Quyết định số 2901/QĐ-BTNMT ngày 6/10/2023), trong đó quy định thời hạn giải quyết của TTHC theo “ngày làm việc” là không phù hợp.

Về công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện công vụ trong giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công (giai đoạn 2021 - 2023) cho thấy, Bộ TN&MT chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề về trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ hành chính công.

Ngoài ra, Bộ TN&MT chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc một số nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 68/NQ-CP như: Việc tổng hợp, báo cáo kết quả thống kê, tính chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, chưa thực hiện việc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan... rà soát, cắt giảm, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa... trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/10/2020; giai đoạn từ năm 2021 - 2025 trình Thủ tướng Chính phủ phương án theo hai đợt (đợt một trước ngày 30/5 và đợt hai trước ngày 30/9 hàng năm).

“Từ các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm nêu trên, dẫn đến Bộ TN&MT thực hiện giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến ở mức thấp, người dân và doanh nghiệp còn mất thời gian đi lại, gặp trực tiếp cơ quan Nhà nước để giải quyết TTHC và mất thời gian chờ đợi do giải quyết TTHC chậm, quá hạn...”, thông báo TTCP nhấn mạnh.

Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT và các cơ quan có liên quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung những bất cập của Luật Khoáng sản 2010 đối với một số quy định về nguyên tắc, trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ, thời hạn cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, trong đó quy định cụ thể về năng lực, kinh nghiệm... đối với các đơn vị tư vấn xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và việc chủ dự án tự rà soát báo cáo ĐTM…

Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ TN&MT tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, Bộ TN&MT kiểm tra, rà soát, kiểm điểm, xem xét xử lý nghiêm cán bộ, công chức cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.