Thành phố thông minh Bắc Hà Nội: Kỳ vọng dẫn đường cho kỷ nguyên mới của khu vực

GD&TĐ - Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội có tổng mức đầu tư dự kiến gần 4,2 tỷ USD, với tổng diện tích gần 272 ha.

Phối cảnh dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội.
Phối cảnh dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội.

Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội có tổng mức đầu tư dự kiến gần 4,2 tỷ USD, với tổng diện tích gần 272 ha. Dự án nằm tại trung tâm của quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, cửa ngõ kết nối Việt Nam với thế giới được kỳ vọng sẽ hiện thực hóa một trung tâm đô thị đẳng cấp quốc tế dẫn đường cho kỷ nguyên mới của khu vực ASEAN...

Dự án có mức đầu tư “khủng”

Cuối tuần qua, Hà Nội cùng các đơn vị, doanh nghiệp công bố triển khai Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 4,2 tỷ USD trên tổng diện tích gần 272ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ thuộc huyện Đông Anh.

Theo ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội được hình thành từ kết quả nỗ lực xuyên suốt của Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản, là biểu tượng cụ thể về tình hữu nghị giữa hai quốc gia.

Dự án khi triển khai sẽ có hạng mục tháp tài chính 108 tầng thuộc danh mục các công trình trọng điểm đã được HĐND TP Hà Nội quyết nghị. Đây cũng được coi là công trình có thiết kế quy mô lớn, thể hiện ý tưởng và công nghệ mới, sáng tạo mang tầm quốc tế.

“Với thiết kế hiện đại, hài hòa và bền vững trên nền tảng công nghệ thông minh, thành phố xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường dựa trên kinh nghiệm phát triển đô thị, quản lý đô thị của Nhật Bản, dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết được những vấn đề lớn về hạ tầng hiện nay của Thủ đô, như: Giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế, môi trường… đóng góp cho kết quả hiện thực hóa Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội” - ông Dương Đức Tuấn cho hay.

Để triển khai dự án, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, các sở, ngành thành phố, UBND huyện Đông Anh để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (đã hoàn thành hơn 99%), các thủ tục về giao đất, cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục có liên quan để khẩn trương triển khai thực hiện dự án theo các giai đoạn đầu tư, đảm bảo tiến độ đã được phê duyệt.

Còn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ngài Yamada Takio tin tưởng, cùng với Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội, hợp tác hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, thực chất, đem lại sự phát triển thịnh vượng cho nhân dân hai quốc gia.

Một góc khu triển khai dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội nhìn từ trên cao.

Một góc khu triển khai dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội nhìn từ trên cao.

Lộ trình và những giá trị cốt lõi

Đại diện phía chủ đầu tư, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG và là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thành phố thông minh Bắc Hà Nội chia sẻ, bản thân luôn ấp ủ một khát khao là người dân Thủ đô được tận hưởng những gì tốt đẹp và tinh hoa nhất của thế giới ngay tại Hà Nội.

“Dự kiến đây sẽ là một chặng đường dài, có thể kéo dài nhiều năm, nhưng đã có được tầm nhìn về một thành phố thông minh hiện đại, đẳng cấp, tươi đẹp, hướng tới tăng trưởng xanh, nơi người dân cùng phát triển bền vững qua nhiều thế hệ…”, bà Nga chia sẻ.

Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội triển khai với 5 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có quy mô khoảng 72,71ha; được triển khai từ quý IV-2023 đến quý IV-2028; gồm các chức năng chính cây xanh thành phố, cây xanh đơn vị ở, mặt nước, công trình công cộng, nhà ở, trường học các cấp, giao thông, bãi đỗ xe, các công trình di tích, tôn giáo và các dự án riêng…

Giai đoạn 2, quy mô khoảng 67,51ha và được triển khai từ quý I-2024 - IV-2028. Giai đoạn này gồm các chức năng chính cây xanh thành phố, mặt nước, công trình công cộng, nhà ở, trường học, giao thông, bãi đỗ xe…

Với giai đoạn 3 có quy mô khoảng 65,76ha, được triển khai từ quý I-2024 - IV-2029; gồm các chức năng chính cây xanh thành phố, cây xanh khu vực, công trình công cộng, trường học, công trình hỗn hợp, giao thông, bãi đỗ xe, trạm trung chuyển đa phương thức, công trình di tích…

Giai đoạn 4 sẽ có quy mô khoảng 30,21ha; được triển khai từ quý I-2024 - IV-2030. Giai đoạn này gồm công trình công cộng thành phố, công cộng đơn vị ở, trường học, giao thông, bãi đỗ xe, công trình hỗn hợp, trạm trung chuyển đa phương thức, cây xanh đơn vị ở…

Giai đoạn 5, quy mô khoảng 35,26ha; được triển khai từ quý IV-2023 - IV-2032. Đây là giai đoạn thực hiện xây dựng trung tâm tài chính, thương mại hỗn hợp cao 108 tầng; cây xanh khu vực, giao thông, bãi đỗ xe…

Huyện Đông Anh hiện cách sân bay quốc tế Nội Bài 13 km, có nhiều tuyến đường huyết mạch đi qua như Thăng Long - Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt), cao tốc Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp), Quốc lộ 5 kéo dài (gồm đường Trường Sa và Hoàng Sa), Quốc lộ 3... Có hai tuyến đường sắt chạy qua Đông Anh là tuyến nối trung tâm TP Hà Nội với tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Lào Cai.

Địa bàn huyện Đông Anh có 2 khu công nghiệp lớn là Bắc Thăng Long và Đông Anh, có 3 cụm công nghiệp (Nguyên Khê, Liên Hà, Vân Hà). Ngoài ra, huyện Đông Anh được biết đến với nhiều làng nghề truyền thống như: Trạm khắc gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ ở các xã (Vân Hà, Thụy Lâm, Liên Hà); nghề sơn mài và sản xuất đồ gỗ ép phun sơn ở các xã (Liên Hà, Bắc Hồng, Thụy Lâm) và nghề sản xuất thép và cơ khí ở xã Dục Tú. Bên cạnh đó, Đông Anh đã và đang hình thành các khu đô thị mới như: Eurowindow River Park thuộc khu tái định cư Đông Hội, Kim Chung.

Trước đó, tại tờ trình của đề án lên quận cho thấy, Đông Anh được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực Bắc sông Hồng. Đông Anh đóng vai trò động lực phát triển ở phía Bắc Thủ đô.

“Thành phố thông minh Bắc Hà Nội được xây dựng trên 4 giá trị cốt lõi đó là “Tương lai - Kết nối - Trong lành - An toàn”, áp dụng hệ thống dịch vụ thế hệ mới được gọi là 6 giải pháp thông minh, bao gồm: Năng lượng thông minh, di chuyển thông minh, quản lý thông minh, cuộc sống thông minh, sức khỏe và học tập thông minh, kinh tế thông minh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.