Thu tiền tỷ từ kêu gọi xã hội hóa 700.000 đồng/học sinh?
Năm học 2019 - 2020, Trường THPT Quảng Xương I đã thu mỗi học sinh những khoản như tiền xã hội hóa 700.000 đồng. Toàn trường có hơn 1.600 học sinh. Nếu thu đủ, số tiền sẽ là hơn 1,1 tỷ đồng. Mức kêu gọi phụ huynh đóng góp xã hội hóa này có hợp lý? Bởi học sinh của trường đa số là con, em nông dân, điều kiện sống còn khó khăn.
Học sinh cũng phải nộp 300.000 đồng tiền quỹ Hội phụ huynh. Trường còn thu mỗi học sinh 90.000 đồng để phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, trong thời gian học sinh tạm nghỉ để phòng, chống dịch, nhiều giáo viên trong trường thu tiền học trực tuyến tương đương với mức thu tiền dạy thêm.
Trường này cũng thu khoản tiền sổ liên lạc điện tử (tin nhắn Vn-Edu), với mức 120.000 đồng/học sinh/năm học. Trong khi đó, nhiều trường THPT ở tỉnh Thanh Hóa chỉ thu khoản tiền này với mức 90.000 đồng hoặc 100.000 đồng....
Hiệu trưởng giải thích “hợp lý” các khoản thu
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Văn Dỵ - Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương I, xác nhận, năm học 2019 - 2020, nhà trường có kêu gọi xã hội hóa với mức 700.000 đồng/học sinh. Tuy nhiên, đó là mức nhà trường kêu gọi, còn ai đóng bao nhiêu thì tùy, không nhất thiết cứ phải 700.000 đồng. Ngôi trường này có hơn 500 học sinh là con, em gia đình chính sách, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn... thuộc diện miễn, giảm.
“Khi đưa ra mức kêu gọi xã hội hóa trên, nhà trường cũng đã họp bàn rất kỹ và thống nhất với Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh. Vì thế, có nhiều em chỉ đóng góp ở dưới mức kêu gọi và cũng có người không đóng góp, nhà trường không ép buộc”, ông Dỵ khẳng định.
Về khoản tiền của Hội phụ huynh nhà trường thu với mức 300.000 đồng/học sinh, thì hiệu trưởng nhà trường không nắm được cụ thể. Vì theo ông Dỵ, quỹ này do Hội phụ huynh chi tiêu, nhà trường không quản lý chi tiết, mà chỉ giám sát. “Khoản tiền quỹ Hội phụ huynh, hình như chỉ thu 150.000 đồng thôi. Vì nhà trường không quản lý, mà chỉ giám sát, nên Hội phụ huynh có nhờ giáo viên chủ nhiệm thu hộ”, ông Dỵ, nói.
Đối với khoản tiền dạy trực tuyến, nhà trường không có chủ trương thu và khuyến cáo giáo viên không được thu. Tuy nhiên, có một số giáo viên không hiểu rõ chủ trương, nên vẫn thu tiền cả một số học sinh thuộc diện miễn giảm. “Khi có phản ánh, tôi đã kiểm tra và yêu cầu giáo viên nào đã thu, thì phải trả lại cho học sinh. Đồng thời, tôi sẽ xử lý những người đã thu khoản tiền này”, ông Dỵ nói.
Khoản tiền thu phòng, chống dịch Covid-19 được ông giải thích rằng: “Việc xã hội hóa phòng chống dịch bệnh Covid-19, thì nhà cũng đã bàn bạc với Hội cha mẹ học sinh và thống nhất mua sắm thêm các thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh…”, ông Dỵ cho biết.
Cũng theo ông Dỵ, qua báo cáo của Hội phụ huynh, khoản tiền xã hội hóa phòng, chống dịch Covid-19 thu được hơn 100 triệu đồng. Do đó, Hội phụ huynh đã mua hơn 300 lọ dung dịch sát khuẩn khô, phun thuốc dự phòng, hơn 4.000 khẩu trang, xà phòng, 4 máy đo thân nhiệt, nhiệt kế đo nhiệt độ, lắp đặt chậu rửa tay... để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Khi tiến hành thu tiền, nhà trường cũng đã họp toàn thể giáo viên với tinh thần không thu đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách....”.
Ông Dỵ lý giải khoản tiền tin nhắn điện tử (Vn-Edu) rằng: “Vì sao trường đăng ký gói 120.000 đồng? Đó là dựa trên sự thống nhất của Ban giám hiệu và Ban đại diện cha mẹ học sinh hợp đồng với VNPT gói cước đó. Bởi lẽ, do lượng thông tin của nhà trường rất nhiều, nên nếu đăng ký gói thấp, thì không đủ”.
Chiều 14/5, trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết, lãnh đạo Sở cũng đã nhận được phản ánh về một số khoản thu ở Trường THPT Quảng Xương I. Sở đã có ý kiến với hiệu trưởng nhà trường chấn chỉnh một số khoản thu, mà phụ huynh phản ánh là cao hơn so với quy định chung.
“Riêng khoản tiền xã hội hóa phòng, chống dịch Covid-19, thì Sở đã yêu cầu các trường phải căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị. Nếu cần lắp đặt thêm hệ thống rửa tay, mua dung dịch sát khuẩn, xà phòng, khẩu trang..., thì nhà trường phải kêu gọi cha mẹ học sinh. Khi cha mẹ học sinh đồng thuận, nhất trí cao thì mới thực hiện. Không được tự ý đưa ra một mức thu theo kiểu áp đặt. Đối với khoản tiền sổ liên lạc điện tử (tin nhắn Vn-Edu), thì Sở yêu cầu các trường chọn gói hợp đồng thấp nhất, với mức 40.000 đồng. Nếu đơn vị nào cung cấp gói hợp đồng giá cao hơn thì nhà trường không tham gia nữa”, bà Hằng khẳng định.