Thanh Hóa: Sắp xếp, điều động giáo viên dôi dư

GD&TĐ - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có chỉ đạo về sắp xếp, bố trí, điều động cán bộ giáo viên, nhân viên hành chính dôi dư ở các trường học trên địa bàn tỉnh.

Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thiếu giáo viên mầm non, tiểu học nhưng lại thừa giáo viên THCS. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thiếu giáo viên mầm non, tiểu học nhưng lại thừa giáo viên THCS. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Theo đó, trên cơ sở xác định cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hành chính dôi dư để tiến hành sắp xếp, điều động trên nguyên tắc: Chỉ thực hiện điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính dôi dư từ trường thừa sang trường thiếu giữa các trường trong phạm vi huyện hoặc giữa các huyện trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nhu cầu của các đơn vị trong chỉ tiêu biên chế được giao. Việc điều động giáo viên phải công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng và đúng quy định; không sử dụng hình thức bắt thăm trong việc xác định đối tượng điều động.

Hình thức điều động giữa các trường trong phạm vi huyện, đối với cán bộ quản lý, thực hiện điều động từ nơi thừa sang nơi thiếu cùng cấp học. Nếu sau khi điều động vẫn còn dôi dư thì tạm thời bố trí đủ tiết dạy cho cán bộ quản lý đó như đối với giáo viên. Đối với giáo viên, dạy chưa đủ số tiết định mức theo quy định, tùy vào tình hình thực tế để bố trí dạy liên trường hoặc kiêm nhiệm làm tổng phụ trách đội hoặc làm nhân viên hành chính tại trường nếu còn thiếu biên chế theo quy định. Đối với giáo viên tiểu học dôi dư, điều động bố trí làm giáo viên hoặc nhân viên hành chính ở những trường tiểu học hoặc mầm non còn thiếu biên chế.

Đối với giáo viên THCS dôi dư, sắp xếp, bố trí điều động làm nhân viên hành chính tại trường (nếu còn thiếu biên chế) hoặc về công tác, giảng dạy tại trường THCS, tiểu học còn thiếu hoặc điều động về trường mầm non còn thiếu để bố trí làm giáo viên phụ hoặc nhân viên hành chính.

Việc điều động trong phạm vi giữa các huyện, giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp Sở GD&ĐT lập phương án điều động cán bộ, giáo viên, nhân viên hành chính trên phạm vi toàn tỉnh, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét.

Thời gian điều động là 24 tháng đối với trường hợp từ đồng bằng đến các xã miền núi hoặc giữa các xã miền núi; 36 tháng giữa các địa bàn còn lại; Trong phạm vi tỉnh, thời gian điều động là 24 tháng.

Các đối tượng được ưu tiên không thực hiện điều động là thương binh, bị tai nạn có tỷ lệ thương tật 41% trở lên; có vợ, chồng, bố mẹ là liệt sỹ hoặc thương binh (81% trở lên); có vợ, chồng, con bị tàn tật, mất sức lao động từ 81% trở lên; trực tiếp nuôi dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng; nuôi dưỡng bố, mẹ của liệt sỹ đã già yếu; bản thân có hoàn cảnh đặc biệt như: đang mắc bệnh hiểm nghèo, nuôi con, nuôi bố, mẹ đẻ, vợ, chồng mắc bệnh hiểm nghèo; cán bộ viên chức có tuổi đời từ 50 trở lên với nữ, từ 55 tuổi đối với nam; có chồng, vợ là quân nhân, cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các xã biên giới, hải đảo…

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố hướng dẫn, chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm, có hiệu quả, đúng quy định việc xác định cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính dôi dư phải sắp xếp, điều động; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh về việc sắp xếp, điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính của huyện đến các huyện khác trong tỉnh; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiêu cực trong xét duyệt, sắp xếp, điều động, thuyên chuyển…

Trước đó, như báo Giáo dục và Thời đại đã đưa tin, theo báo cáo của Sở Nội vụ, toàn tỉnh Thanh Hóa thừa 1.005 biên chế cấp THCS. Trong khi đó, khối mầm non còn thiếu 649 biên chế; Khối tiểu học thiếu 438 biên chế (theo biên chế được giao năm học 2015-2016).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò Trường Mầm non Khong Hin (huyện Tuần Giáo, Điện Biên). Ảnh: NTCC

Ngăn chặn từ gốc bạo hành trẻ mầm non

GD&TĐ - Từ các vụ bạo hành trẻ mầm non ở một số cơ sở, nhóm lớp ngoài công lập gần đây, giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo hành được ngành Giáo dục tăng cường.