Theo đó, để chủ động ứng phó với cơn bão số 2, UBND tỉnh Thanh Hóa và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã có 2 công điện chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
Các lực lượng sẵn sàng tham gia công tác PCTT&TKCN đã được huy động cụ thể, sẵn sàng chờ lệnh. Các lực lượng: Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng sẵn sàng quân số, chờ điều động khi cần thiết khi có lệnh. Ngoài lực lượng của các địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đứng ra ký hiệp đồng với các đơn vị lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng và Quân khu 4 đóng quân trên địa bàn tỉnh với 1.100 chiến sĩ sẵn sàng tham gia PCTT&TKCN.
Công tác kêu gọi và sắp sếp nơi tránh trú cho các tàu thuyền được triển khai tích cực. 100% các chủ phương tiện vẫn giữ liên lạc thường xuyên với bờ. Các ngành, các địa phương liên quan cũng đã xây dựng phương án sẵn sàng di chuyển hơn 57.800 hộ gia đình với gần 248.000 người thuộc khu vực mép nước, cửa sông, ven biển; gần 7.650 hộ với hơn 32.500 nhân khẩu thuộc khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… đến nơi trú ẩn an toàn.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng được giao dự trữ 780 tấn gạo tẻ, 84.500 thùng mỳ tôn và lương khô, 104.500 thùng nước uống đóng chai và nhiều mặt hàng thiết yếu khác để sẵn sàng huy động phục vụ nhân dân các huyện miền núi và những vùng có nguy cơ bị chia cắt hoặc ảnh hưởng nặng nề do bão lũ. Sở Giao thông – Vận tải cũng đã triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi cầu đường có sự cố hư hỏng…
Sở Y tế đã thành lập 72 tổ vận chuyển cấp cứu, 34 đội phẫu thuật, 64 đội vệ sinh phòng dịch, hàng trăm cơ số thuốc và dụng cụ y tế sẵn sàng được điều động khi cần thiết… Với 610 hồ chứa nước trên địa bàn, hiện có tới 121 hồ không bảo đảm an toàn, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và các công ty thủy nông không được tích nước 18 hồ, chỉ tích nước hạn chế 103 hồ còn lại.