Thanh Hóa: Người dân đến các tỉnh có dịch phải báo cáo chính quyền sở tại

GD&TĐ - Sau khi địa phương ghi nhận 5 ca mắc Covid -19, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công điện khẩn về phòng, chống dịch. Yêu cầu người dân đi đến các tỉnh có dịch, phải báo cáo cấp chính quyền nơi cư trú.

Phun hóa chất khử khuẩn trong trường học ở Thanh Hóa.
Phun hóa chất khử khuẩn trong trường học ở Thanh Hóa.

Theo đó, ngày 26/5, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công điện khẩn về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Trong công điện, người đứng đầu cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát triệt để, thống kê, báo cáo tất cả những người địa phương đang học tập, sinh sống, làm việc, du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân..., ở các tỉnh, thành phố khác và ở nước ngoài.

Đảm bảo chủ động, giám sát, theo dõi từ xa để tất cả những người ở các tỉnh, thành phố khác khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định ngay sau khi trở về địa phương.

Tất cả những người có liên quan đến các ổ dịch, địa điểm, mốc dịch tễ theo thông báo của Bộ Y tế phải được cách ly tập trung tối thiểu 21 ngày, thực hiện xét nghiệm theo quy định.

Tất cả những người đến, trở về từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh (kể cả không liên quan đến các ổ dịch) phải thực hiện cách ly tại nhà tối thiểu 14 ngày dưới sự kiểm soát, giám sát của tổ giám sát cộng đồng, được điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ định của cơ quan y tế.

Tất cả những người đến và trở về địa phương từ các tỉnh, thành phố khác (kể cả không liên quan tới các ổ dịch) phải khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong thời gian tối thiểu 2 ngày, kể từ ngày trở về địa phương.

Tự rà soát lịch trình đi lại, sinh hoạt của mình, nếu có liên quan đến các thời điểm, mốc dịch tễ, phương tiện di chuyển... theo thông báo của Bộ Y tế, phải liên hệ ngay với cơ quan y tế địa phương. Đồng thời, khai báo y tế bổ sung để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu tất cả những người đi lại, công tác, làm việc, khám chữa bệnh, học tập, thăm thân... đến các tỉnh, thành phố có dịch khác phải được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú.

Tỉnh Thanh Hóa lập 7 chốt kiểm soát phương tiện vận chuyển khách ra, vào tỉnh để phòng, chống dịch.
Tỉnh Thanh Hóa lập 7 chốt kiểm soát phương tiện vận chuyển khách ra, vào tỉnh để phòng, chống dịch.

Người đi phải có kế hoạch, lịch trình, thời gian công tác, làm việc, điểm đi, đến cụ thể. Thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, hạn chế tiếp xúc đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, thực hiện khai báo y tế tại các điểm đi, đến và ngay sau khi trở về cơ quan, đơn vị, địa phương.

Những người tham gia các hoạt động vận tải hàng hóa đến và đi từ các điểm, vùng đang phong tỏa, cách ly y tế, phải có kế hoạch được Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh phê duyệt.

Đồng thời, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm soát lây nhiễm, đảm bảo an toàn theo quy định.

Đối với cán bộ y tế, lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch có trang bị các trang thiết bị phòng hộ theo quy định, thì không phải thực hiện các biện pháp cách ly (trừ các trường hợp đặc biệt theo chỉ định của cơ quan y tế).

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch nêu trên trong cơ quan, đơn vị, phạm vi quản lý.

Yêu cầu các chốt kiểm dịch kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào tỉnh, đảm bảo tất cả các phương tiện thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải.

Tuyệt đối không được cản trở, ảnh hưởng tiêu cực đến việc giao thương, đi lại bình thường của người dân.

Yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, bao gồm: Công ty, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, sân bay, bến xe, nhà ga... phải có kế hoạch, phương án phòng, chống dịch khả thi.

Thường xuyên cập nhật phù hợp với diễn biến tình hình dịch. Chủ động đảm bảo các điều kiện về nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị... cần thiết cho công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị theo phương châm 4 tại chỗ.

Bố trí đủ các điều kiện, chủ động phối hợp với Trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên, làm xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho người lao động, nhất là các nhóm có nguy cơ cao tại cơ quan, đơn vị.

Thành lập các tổ tự quản Covid-19 của cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện các biện pháp phát hiện, hạn chế nguy cơ lây nhiễm và phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị.

Đảm bảo tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, những người liên quan (người cung cấp, vận chuyển vật tư, hàng hóa, suất ăn...) thực hiện khai báo y tế bắt buộc hàng ngày trước khi đến và rời nơi làm việc.

Xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.