Thanh Hóa: Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong nhà trường

GD&TĐ - Ngày 24/11, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT có buổi làm việc, kiểm tra việc triển khai Đề án 1928 về nâng cao chất lượng phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường năm 2015 tại tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa: Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong nhà trường

Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng (Trưởng ban điều hành Đề án 1928) làm trưởng đoàn, cùng đại diện các bộ, ngành liên quan.

Về phía tỉnh Thanh Hóa, tham gia buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Anh Tuấn, lãnh đạo Sở GD&ĐT, Sở Tư pháp, Tỉnh Đoàn…

Trong năm 2015, thực hiện Đề án 1928 về nâng cao chất lượng phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường, Thanh Hóa đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh về vị trí, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội; tác động tốt đến công tác lãnh đạo, quản lý điều hành trong các nhà trường và sửa đổi tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, nhà giáo trong ngành. 

Giúp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ giáo viên môn giáo dục công dân (GDCD), báo cáo viên và cán bộ phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thông qua các hình thức tổ chức dạy học kiến thức pháp luật như: Kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức; Lồng ghép hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với các cuộc vận động, các hoạt động ngoại khóa và các phong trào thi đua lớn của ngành; Tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật như Luật Giáo dục, Luật Thanh niên, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống ma tuý… đã tạo ra những tiết học thực sự hấp dẫn, cuốn hút học sinh tích cực tham gia và chiếm lĩnh kiến thức pháp luật. 

Nhận thức của các em từng bước được nâng cao, ý thức chấp hành pháp luật đã được cải thiện. Đặc biệt, chương trình giáo dục pháp luật chính khóa có một vai trò quan trọng trong việc trang bị cho học sinh, sinh viên những kiến thức pháp luật cơ bản, giúp từng bước hình thành ý thức pháp luật, niềm tin pháp luật cho giới trẻ.

Các nhà trường đã gắn chặt công tác giảng dạy, quản lý nhà trường với trách nhiệm công tác giữ gìn ANTT trong trường học để nâng cao, tinh thần, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, qui chế và các nội dung qui định của trường học, công tác an ninh trật tự được nâng cao, giảm tối đa các vi phạm.

Hiện nay, đội ngũ giáo viên môn GDCD được bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng với 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. 100% các trường học có tủ sách hoặc ngăn sách pháp luật phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về pháp luật cho cán bộ, giáo viên và học sinh. 

Trong năm qua, Sở GD&ĐT đã cấp phát cho các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh 11.184 cuốn sách pháp luật. Phối hợp với Ban an toàn giao thông tỉnh cấp 3.644 cuốn sách cho giáo viên thuộc các cấp học để triển khai giảng dạy, phổ biến các nội dung giáo dục an toàn giao thông trong các nhà trường…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng chuyên mục thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật trên trang thông tin điện tử của các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục. Tổ chức hội thi học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi môn GDCD, báo cáo viên pháp luật giỏi cấp trường.

Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án 1928 tại Thanh Hóa cũng còn những khó khăn, hạn chế, như: Việc cập nhật công văn chỉ đạo một số nhà trường đôi khi còn chậm, kế hoạch triển khai, kiểm tra, đánh giá sơ kết đôi lúc chưa kịp thời. Việc thực hiện nội dung còn phụ thuộc nhiều vào bộ môn đạo đức và GDCD. Một số nhà trường chưa sáng tạo trong hình thức tổ chức, nội dung tổ chức chưa phong phú...

Thông qua kiểm tra thực tế tại Trường THPT Quảng Xương 4 và Trường Đại học Hồng Đức, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đánh giá cao những kết quả mà hai đơn vị và các trường học trong tỉnh đã đạt được trong triển khai Đề án 1928 về nâng cao chất lượng phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường. 

Thứ trưởng cũng ghi nhận sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT trong công tác triển khai Đề án.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa, qua nghe báo cáo của các sở, ban ngành có liên quan, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng tiếp thu những ý kiến đóng góp, kiến nghị của Thanh Hóa để công tác phổ biến pháp luật trong trường học có hiệu quả hơn nữa; đồng thời đề nghị Thanh Hóa cần tiếp tục phối kết hợp với các sở, ban ngành liên quan phát huy những kết quả đã đạt được, nhân rộng các mô hình tốt tại cơ sở; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc phổ biến pháp luật trong trường học để nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành pháp luật trong trường học…

Thanh Hóa: Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong nhà trường ảnh 1Thanh Hóa: Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong nhà trường ảnh 2Thanh Hóa: Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong nhà trường ảnh 3Thanh Hóa: Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong nhà trường ảnh 4

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ