Thanh Hóa: Kênh thủy lợi 4.300 tỷ đồng bị đứt gãy đã được thông dòng

GD&TĐ - Sau một tuần bị đứt gãy, chiều nay (5/1) kênh thủy lợi Bắc sông Chu – Nam sông Mã (Thanh Hóa) đã được khắc phục xong và thông dòng.

Lực lượng chức năng đang khắc phục sự cố đứt gãy kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã (đoạn qua xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa).
Lực lượng chức năng đang khắc phục sự cố đứt gãy kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã (đoạn qua xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa).

Ông Lê Bá Huân - Trưởng phòng Quản lý thi công, Ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 (thuộc Bộ NN&PTNT) cho biết: Để khắc phục xong sự cố vỡ kênh, đơn vị đã huy động nhiều máy móc, nhân lực làm việc suốt ngày đêm kể từ ngày 29/12/2020.

Đơn vị thi công khắc phục sự cố nêu trên đã vận chuyển gần 20.000 m3 đất, đá tới san lấp, hàn khẩu đoạn đê bị vỡ.

Cũng theo ông Huân, sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu đơn vị tham gia khắc phục phải hoàn thành trong 3 ngày.

Tuy nhiên, do nền địa chất ở khu vực xảy ra sự cố rất yếu, nếu khắc phục tạm thời sẽ không ổn, khi vận hành lại mà gặp sự cố thì thời gian khắc phục sẽ lâu hơn. Do đó, thời gian khắc phục sự cố này phải kéo dài tới 7 ngày.

Chiều nay (5/1) đoạn kênh bị đứt gãy đã được khắc phục xong.
Chiều nay (5/1) đoạn kênh bị đứt gãy đã được khắc phục xong.

Về thông tin trên tuyến kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã  xuất hiện nhiều điểm nứt, hư hỏng, xuống cấp... lãnh đạo Ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 cho biết: Đã kiểm tra, phát hiện các điểm hư hỏng và đã có kế hoạch sửa chữa, khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, sáng 27/12/2020, kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã đoạn qua địa phận thôn Minh Lãi (xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc) bất ngờ bị đứt gãy, tụt sâu khoảng 1,5-2 m, dẫn đến vỡ kênh.

Đoạn kênh bị vỡ có chiều dài 70 m (từ vị trí K5+170 đến K5+240) thuộc hạng mục cầu máng Sông Âm trên kênh chính Bắc sông Chu - Nam sông Mã.

Đoạn kênh này được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2013 và chính thức được bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2014.

Trước sự việc trên, Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 đã thông báo cho chính quyền địa phương, đồng thời huy động lực lượng lập hàng rào, cắm biển cảnh báo để người dân được biết để phòng tránh tai nạn.

Theo thông tin của Bộ NN&PTNT, Dự án hồ chứa nước nước Cửa Đạt có 2 hạng mục công trình, gồm: Đập đầu mối và hệ thống kênh chính. Hợp phần công trình đầu mối hoàn thành vào tháng 11/2010.

Còn hợp phần hệ thống kênh chính hoàn thành toàn bộ vào năm 2017. Trong đó, hợp phần hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã thuộc dự án hồ chứa nước Cửa Đạt, tỉnh Thanh Hóa được Bộ NN&PTNT phê duyệt đầu tư hồi tháng 10/2011.

Kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã đã được thông nước trở lại.
Kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã đã được thông nước trở lại.

Về nguyên nhân đứt gãy kênh thủy lợi nêu trên, đánh giá sơ bộ của các cơ quan chức năng cho thấy: Đoạn kênh nằm trên nền địa chất có cấu trúc phức tạp, một bên là núi, một bên là suối, đất đào và đất đắp không đồng nhất.

Đặc biệt, đây là đoạn kênh đắp nổi, chiều cao lớn (khoảng 6-7 m), nằm trên lớp đá phong hóa và có cung trượt phức tạp.

Được biết, kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 370 km. Công trình này có tổng vốn đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng.

Công trình bắt đầu xây dựng năm 2014 và đưa vào vận hành năm 2016, để  phục vụ nước tưới cho hơn 31.000 ha đất nông nghiệp một số huyện của tỉnh Thanh Hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.