Trong những ngày qua, tại xã Mường Chanh, xuất hiện hàng triệu con châu chấu tre lưng vàng phá hại mùa màng của người dân.
Nạn châu chấu tre lưng vàng xuất hiện cách đây khoảng hơn một tuần lễ. Chúng tàn phá cây lúa, ngô, khoai, sắn, tre, luồng... của người dân, gây thiệt hại nặng nề.
Ông Lục Văn Tâm – Chủ tịch UBND xã Mường Chanh, cho biết: Hiện tượng hàng triệu châu chấu tre lưng vàng xuất hiện và tàn phá hoa màu ở xã Mường Chanh đang có chiều hướng ngày càng loang rộng.
Tại một số bản, như: Bản Cang, bản Bóng, bản Chai... cào cào xuất hiện dày đặc. Chúng cắn phá tất cả các loại cây trồng của người dân. Đặc biệt, hiện nay địa phương đang có khoảng hơn chục ha lúa nước của bà con chưa đến kỳ thu hoạch, đã bị châu chấu tre lưng vàng cắn phá.
“Người dân trong xã đã dùng thuốc trừ sâu bơm để diệt châu chấu tre lưng vàng, nhưng cũng không xuể. Nhiều người dùng các dụng cụ như lưới, vải màn...và thắp đèn ban đêm để bắt châu chấu tre lưng vàng, nhưng vẫn không hết được”, ông Tâm cho hay.
Ông Cao Văn Cường – Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết: Trước tình trạng cào cào phá hoại cây trồng của người dân ở Mường Chanh, UBND huyện Mường Lát đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp xuống xã thị sát tình hình, để có hướng tập huấn cách diệt châu chấu. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa tiêu diệt hết được hàng triệu con châu chấu tre lưng vàng.
Cũng theo ông Cường, theo khảo sát và đánh giá của ngành chức năng, hiện nay châu chấu tre lưng vàng đã xuất hiện ở xã Mường Chanh, trên rừng cây hỗn loài, như: nứa, vầu, le...với mật độ phổ biến 10 con/m2, cao 30 con/m2 và cục bộ lên tới 120 con/m2.
Để phòng trừ và tiêu diệt nạn chấu chấu tre lưng vàng đang phá hoại cây trồng, ngành chức năng của huyện Mường Lát đang huyến khích, vận động nhân dân, các lực lượng vũ trang, tổ chức đoàn thể... thực hiện các biện pháp thủ công, như: thu gom, bắt, đốt, đào... tại các khu vực châu chấu tập trung khu trú.
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã được đăng ký diệt châu chấu tre trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, để tiêu diệt châu chấu. Trong quá trình tổ chức phòng trừ phải đồng loạt, tập trung.
Trong khu vực phun thuốc tuyệt đối không được chăn, thả gia súc, gia cầm. Áp dụng đồng thời hai phương pháp phun thuốc bảo vệ thực vật dạng nước và dạng khói, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực diệt trừ châu chấu.
Thực hiện công tác theo dõi, điều tra giám sát châu chấu trên địa bàn, chỉ đạo cán bộ chuyên môn, thôn, bản theo dõi chặt chẽ tình hình và thời gian châu chấu non nở, phạm vi gây hại, hướng di chuyến, các điểm châu chấu tre co cụm, đẻ trứng... để chủ động phòng trừ ngay từ đầu vụ. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng trừ châu chấu tre khi có mật dộ cao, có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.
Áp dụng đồng thời hai phương pháp phun thuốc bảo vệ thực vật dạng nước và dạng khói nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực diệt trừ châu chấu.