Thanh Hóa: Gia đình thương binh nặng hơn 10 năm xin cấp “sổ đỏ” bất thành

GD&TĐ - Đằng đẵng hàng chục năm trời, vợ người thương binh hạng 1/4 ở TP Thanh Hóa “vác” hồ sơ đi xin cấp “sổ đỏ” nhưng bất thành. Cực chẳng đã, người vợ của thương binh này gửi đơn “cầu cứu” Báo GD&TĐ.

Bà Chu Thị Lệ trong mảnh đất của gia đình.
Bà Chu Thị Lệ trong mảnh đất của gia đình.

Hơn một thập kỷ, sao không ai trả lời?

Bà Chu Thị Lệ (62 tuổi), vợ ông Trần Bá Kiến (62 tuổi) - thương binh hạng 1/4, ở phố Tân Cộng, phường Đông Tân (TP Thanh Hóa), có đơn phản ánh: “Gia đình tôi có một mảnh đất của bố, mẹ để lại cho vợ chồng tôi làm nhà ở từ năm 1987. Mảnh đất này mang tên chồng tôi là Trần Bá Kiến, thương binh hạng 1/4. Năm 1994, chính quyền tổ chức cấp “sổ đỏ” cho các gia đình có đất ở xung quanh.

Lúc đó, tôi cứ nghĩ là đất của bố, mẹ cho thì không được cấp “sổ đỏ”, nên không đi hỏi cán bộ. Sau này, tôi mới biết là đất của gia đình tôi đã đóng thuế, thì được cấp “sổ đỏ”. Thế nhưng, từ năm 2010 đến nay, tôi đã đi rất nhiều lần để xin cán bộ các cấp chính quyền cấp “sổ đỏ”, nhưng không được”.

Cũng theo bà Lệ, từ năm 2010, bà lên gặp cán bộ địa chính xã Đông Tân (nay là phường Đông Tân, TP Thanh Hóa) để xin làm thủ tục cấp “sổ đỏ”. Thế nhưng, lần nào vị cán bộ địa chính ở xã cũng cứ “hứa suông” (!?).

“Năm 2012, cán bộ địa chính xã và cán bộ ở TP Thanh Hóa đến đo đất cho gia đình tôi, họ xác định là 250,1m2. Năm 2017, cán bộ lại xuống đo đất nhà tôi, họ xác định là 232m2. Đến năm 2019, họ lại xuống đo đất nhà tôi một lần nữa và xác định là 221m2, trong đó có 200m2 đất ở và 21m2 đất trồng cây lâu năm. Như vậy, tôi không biết được là đúng hay sai.

Hơn 10 năm qua, không biết bao lần đi lại xin xỏ, đến ngày 29/5/2020 được cán bộ hướng dẫn, tôi đã nộp lệ phí trước bạ nhà đất, với số tiền là 2.542.650 đồng. Thế nhưng, đến tận hôm nay, vẫn không có ai giải quyết và cấp “sổ đỏ” cho gia đình tôi. Trong khi sức khỏe của chồng tôi ngày càng một yếu đi.

Hiện nay, chồng tôi là thương binh hạng 1/4 đang phải đi điều trị ở Bệnh viện K, Hà Nội. Chẳng nhẽ, phải đợi đến khi ông ấy chết đi, họ mới giải quyết xong cái “sổ đỏ” cho một gia đình chính sách như chúng tôi hay sao?”, bà Lệ nói.

Quá trình đi xin cấp “sổ đỏ” cho mảnh đất do bố, mẹ chồng để lại, bà Chu Thị Lệ - vợ thương binh hạng 1/4 Trần Bá Kiến dường như đã quá mỏi mệt và không còn kiên nhẫn.

Bởi lẽ, cách giải quyết của các cơ quan chức năng liên quan ở TP Thanh Hóa, không rõ ràng. Lãnh đạo UBND phường Đông Tân (TP Thanh Hóa), thì bảo rằng, đã làm hết trách nhiệm và thẩm quyền. Các bước thủ tục khác đều đã được chuyển lên cấp thành phố. Còn các phòng, ban liên quan ở cấp thành phố thì “đùn đẩy trách nhiệm” cho nhau?

Vợ thương binh hạng 1/4 Trần Bá Kiến hơn 10 năm đi xin cấp “sổ đỏ” nhưng bất thành.
Vợ thương binh hạng 1/4 Trần Bá Kiến hơn 10 năm đi xin cấp “sổ đỏ” nhưng bất thành.

Sao không xử lý dứt điểm?

Sau hơn 10 năm bà Lệ “vác” hồ sơ đi xin cấp “sổ đỏ”, mãi đến ngày 29/4/2021, ông Lê Mai Khanh – Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa ký Công văn về việc: “Xem xét giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Trần Bá Kiến – Chu Thị Lệ”.

Thế nhưng, trong công văn này lại khẳng định, thửa đất của gia đình thương binh nặng Trần Bá Kiến – Chu Thị Lệ có diện tích là 221,1m2.

Công văn nêu: “Trên cơ sở báo cáo của UBND xã Đông Tân, nguồn gốc thửa đất ông, bà Trần Bá Kiến - Chu Thị Lệ đang sử dụng được bố, mẹ là ông Trần Bá Bình tặng cho một phần thửa đất năm 1984. Phần còn lại bán cho ông Lê Quang Mạn năm 1987.

Vị trí tại thửa số 198, tờ bản đồ số 3, bản đồ địa chính xã Đông Tân đo vẽ năm 1987, tương ứng với thửa 395, tờ bản đồ số 14, bản đồ địa chính xã Đông Tân đo vẽ năm 2012”.

Do đó, căn cứ vào các quy định của Nhà nước, UBND TP Thanh Hóa, khẳng định: “Thửa đất gia đình ông Kiến, bà Lệ có nhà ở trước ngày 15/10/1993, thì diện tích đất ở được xác định là 200,0m2.

Văn bản do ông Lê Mai Khanh – Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa ký.
Văn bản do ông Lê Mai Khanh – Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa ký. 
Biên lai nộp thuế trước bạ nhà đất của bà Chu Thị Lệ.
Biên lai nộp thuế trước bạ nhà đất của bà Chu Thị Lệ.

Phần còn lại 21,1m2 là đất trồng cây lâu năm cùng thửa với đất ở”. Đồng thời, giao UBND phường Đông Tân hoàn thiện hồ sơ, hướng dẫn gia đình ông Kiến thực hiện các quy trình thủ tục, để được cấp “sổ đỏ” theo đúng quy định của pháp luật.

Sau khi nhận được công văn trên, bà Chu Thị Lệ khẳng định: “Đất nhà tôi không tranh chấp với ai. Tôi cũng đã nộp lệ phí trước bạ là 247m2, nhưng bây giờ họ lại bảo chỉ có 221,1m2, thì tôi cũng chẳng hiểu ra sao.

Cách đây vài tuần, có một số cán bộ ở thành phố và địa chính phường đến đo đất nhà tôi. Họ nói, đất nhà tôi đo mới là 247m2, nhưng nếu gia đình chấp nhận làm sổ 221,1m2, thì nhanh hơn. Còn nếu tôi cứ yêu cầu làm sổ theo 247m2, thì lằng nhằng và rất lâu. Vì thế, tôi mới đề nghị các anh ấy cứ cấp sổ đúng với diện tích 247m2, vì gần 12 năm trời, tôi vẫn chờ đợi đó thôi”.

Cũng theo bà Lệ, khi đoàn cán bộ về rồi, vài ngày sau, có một cán bộ ở UBND TP Thanh Hóa lên đo lại đất của gia đình bà. “Sau đó, họ lại gọi tôi xuống để ký xác nhận vào biên bản diện tích đất. Tôi lại phải xuống gặp các anh ấy, thì thấy biên bản chỉ còn 243,5m2.

Do tôi cũng đã phải đi quá nhiều, sức đã kiệt, nên tôi đề nghị các anh ấy cấp sổ cho tôi theo đúng diện tích các anh ấy đưa ra là 243,5m2. Thế nhưng, từ ngày đó đến giờ cũng không thấy họ hồi âm gì cho gia đình tôi”, bà Lệ phản ánh.

Phóng viên Báo GD&TĐ đã liên hệ với ông Lưu Ngọc Nhuệ - Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Thanh Hóa, để tìm hiểu việc này. Tuy nhiên, ông Nhuệ nói: “Liên quan đến trường hợp gia đình ông Trần Bá Kiến, các anh đăng ký với UBND hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường mà làm việc. Bên đây, anh em làm lâu rồi, nhưng các anh ở bên UBND TP không ký, nên các anh làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường”.

Đề nghị UBND TP Thanh Hóa sớm chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm vụ việc trên, để gia đình thương binh hạng 1/4 Trần Bá Kiến ổn định cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.