Chiều 27/1, thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá cho biết, từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày mùng 5 tháng Giêng (tức ngày 20 đến 26/1), toàn tỉnh đón gần 430 nghìn lượt khách, tăng 47,6% so với dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Trong 7 ngày nghỉ lễ, Thanh Hóa là một trong những địa phương có mức tăng trưởng du lịch mạnh, với tổng thu du lịch ước đạt 357 tỷ đồng, tăng 41,6% so với dịp Tết năm 2022.
Trong đó, khách tập trung đông tại một số khu, điểm như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) gần 48.000 lượt khách; Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) 15.000 lượt khách; Đền Bà Triệu (Hậu Lộc) 10.000 lượt khách; Đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn) gần 29.000 lượt khách; Phủ Na (Như Thanh) hơn 33.000 lượt khách; Đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn) gần 37.000 lượt khách; Cửa Đạt (Thường Xuân) 27.000 lượt khách; TP Thanh Hóa hơn 38.000 lượt khách; TP Sầm Sơn gần 31.000 lượt khách…
Tuy nhiên, do đặc thù đi du xuân, lễ chùa đầu năm nên khách du lịch ít lưu trú qua đêm, theo đó công suất sử dụng phòng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão trên địa bàn tỉnh ước khoảng 31%.
Du khách chen chân lên xin nước thánh tại Phủ Na (xã Xuân Du, huyện Như Thanh). |
Theo đánh giá, nhìn chung các khu, điểm du lịch đều chú trọng công tác đón, tiếp khách, nâng cao chất lượng dịch vụ. Cùng với đó, một số điểm đến đã tổ chức các chương trình trải nghiệm, sản phẩm mới, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách như: chuỗi hoạt động “Tết xưa làng cổ” tại làng cổ Đông Sơn, trưng bày trải nghiệm tết xưa tại Bảo tàng tỉnh, trình diễn nghệ thuật thư pháp tại Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Thanh Hóa); “Gieo chữ đầu năm” tại Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc)…
Đặc biệt, trong suốt kỳ nghỉ lễ kéo dài 7 ngày, tại các điểm đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội luôn được đảm bảo.