Theo đó, từ đầu 2014 đến nay, bệnh dại đã xảy ra trên địa bàn 6 xã của các huyện Như Xuân, Quan Hóa, Thường Xuân, thành phố Thanh Hóa.
Tại các huyện xảy ra bệnh dại có 35 con chó mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy và 28 người bị chó nghi mắc bệnh dại cắn phải tiêm phòng và điều trị.
Trong đó, có 2 người đã tử vong do bị chó dại cắn gồm 1 người ở huyện Như Xuân và một cháu bé 3 tuổi ở xã Thiệu Dương (TP. Thanh Hóa).
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa, trong 5 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh có 2.029 người bị chó dại cắn và phải tiêm phòng, điều trị dự phòng.
Nguyên nhân chủ yếu xảy ra bệnh dại là do đàn chó nuôi không được tiêm phòng bệnh dại triệt để, nhiều nơi tiêm phòng đạt tỷ lệ rất thấp. Đặc biệt, các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Lang Chánh… trong nhiều năm qua kết quả tiêm phòng bệnh dại đạt tỷ lệ thấp.
Hiện tượng chó nuôi thả rông không được quản lý vẫn còn phổ biến dẫn đến nhiều người bị chó cắn. Ngoài ra, nhiều người bị chó cắn không đến các cơ sở y tế để tiêm phòng, bị phát hiện dại và tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh dại như trên, công tác bao vây dập dịch được Sở Nông ngiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa chỉ đạo Chi cục Thú y kiểm tra, chuẩn đoán xác định dịch bệnh.
Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thành phố có dịch chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, bao vây, dập dịch kịp thời, như: Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình diễn biến dịch bệnh trên đàn chó, mèo để phát hiện sớm dịch bệnh, có biện pháp xử lý kịp thời.
Tiêu hủy triệt để, kịp thời các trường hợp chó, mèo chết do bệnh dại, chó, mèo mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại, chó, mèo khỏe mạnh chưa được tiêm phòng bệnh dại và được nuôi nhốt chung chuồng với chó, mèo mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại.
Trong quá trình chống dịch, toàn tỉnh đã tiêu diệt 63 con chó mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại và chó thả rông không thực hiện tiêm phòng. Tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng môi trường tại các gia đình, khu dân cư, đường làng, ngõ xóm có bệnh.
Tiêm phòng bao vây ngay bằng vắc xin dại cho toàn bộ chó, mèo. Tỷ lệ tiêm phải đạt 100% tổng đàn chó, mèo hoàn toàn khỏe mạnh. Nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ chó, mèo và sản phẩm từ chó, mèo trên địa bàn trong thời gian xảy ra dịch bệnh dại.
Vận động nhân dân thực hiện 5 không: Không nuôi chó, mèo khi chưa khai báo với chính quyền địa phương. Không nuôi chó, mèo không tiêm phòng bệnh dại. Không nuôi chó thả rông. Không để chó cắn người. Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo Chi cục Thú y phân công lực lượng tăng cường giám sát đến tận thôn, bản để phát hiện sớm bệnh dại trên động vật, có biện pháp xử lý, ngăn chặn và khống chế dịch bệnh kịp thời.
Kiểm soát vận chuyển, buôn bán chó, mèo nghi mắc bệnh dại và ốm chết không rõ nguyên nhân…