Tháng Chạp và những nụ mai

GD&TĐ - Nhà trồng một cội mai kiểng. Năm nào tôi cũng canh đầu tháng Chạp ta đi lặt (tuốt) lá.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Lúc ấy, lá mai thường ngả vàng, xơ xác; nhưng lấp ló bên trong là vô số nụ xám xanh đang “phục” sẵn, chực chờ đón nắng xuân để bung hoa. Năm rồi tôi vẫn chăm cây tử tế nhưng kì thay, sắp Tết đến nơi mà cây mai cứ ra toàn lá, vạch xem không có một nụ nào.

Ông anh “chuyên gia cây cảnh” tới chơi, dòm kĩ cây mai, lắc đầu, phang một câu thẳng đuột: Xong, mất Tết…

Tôi nghe, buồn rũ.

Tết năm ấy chính thức bùng dịch. Con gái tôi lấy chồng Thành phố Hồ Chí Minh, vợ chồng không về quê được do khu chung cư nó sống xuất hiện F0 phải nhập viện. Cặp vé máy bay Tết tốn gần 5 triệu bạc bị hủy oan ức.

Còn nữa, thằng cháu cưng xuất khẩu lao động sang Nhật dự định về chơi cũng đành phải trả vé, tiếp tục ăn Tết tha hương.

Đang dịch, khách nước ngoài về Việt Nam đều phải 15 ngày cách li tập trung. Hết cách li vừa hết phép, còn Tết nhất gì? Cháu con buồn, ba mẹ buồn, anh em buồn khi cái hẹn trùng phùng tại quê nhà ngày Tết sau một năm dài vất vả mưu sinh đã không cánh mà bay.

Chưa hết, phận làm mẹ làm cha còn phải “ăn Tết” trong tâm trạng phập phồng: Không biết mấy đứa con “F1” của mình liệu có bị chuyển dương tính hay không? Cội mai đứng trước sân cũng rũ buồn. Đúng lời ông anh phán, không riêng người, mai cũng không có Tết…

Năm nay, ngoảnh lại ngoảnh đi cũng đã lại vào tháng Chạp. Một năm “giông to bão lớn” vì dịch dã cho cả cộng đồng: Kinh tế xuống dốc; an sinh xã hội bất ổn; chưa kể những mất mát đau thương không ít gia đình phải hứng chịu vì Covid-19.

Gia đình tôi - không may mắn hơn đồng bào, đồng loại - cũng đã có người thân mãi mãi ra đi. Người đi đành phận nhưng người ở vẫn phải tiếp tục cuộc hành trình. Đất nước, sau những tháng ngày thực hiện giãn cách, giờ đang từng bước mở cửa, thiết lập trạng thái “bình thường mới” để phục hồi kinh tế.

May mắn, sau khủng hoảng ban đầu chúng ta đã kịp thời “phủ sóng vắc-xin” đại bộ phận cộng đồng để có thể sống chung với dịch mà không phải chịu quá nhiều tổn thất như giai đoạn qua. Vậy nhưng, nói “không quá nhiều” hoàn toàn không có nghĩa “không tổn thất”.

Năm nay chắc các con tôi, các cháu tôi lại thêm lần nữa không về, tiếp tục dời cái hẹn đoàn viên tới… Tết sang năm! Cũng đành thôi. Dịch bệnh vừa mới qua đỉnh hiểm nguy chứ chưa phải đã thật sự an toàn để con người có thể chủ quan lơ là, tự do đi lại. Tết này không gặp được còn Tết khác nhưng sinh mạng mỗi người chỉ có một.

Cần an trước đã rồi mới nói chuyện vui. Tháng Chạp, con gái gọi điện xin lỗi xin phải: “Chắc Tết năm nay tụi con không về được nữa ba ơi”... Tôi cố nén buồn, trấn an: “Không sao đâu con, đành vậy thôi. Ráng cho tình hình thật sự ổn rồi tính sau. Mà tụi con cứ vui lên. Ba tin, mọi chuyện sáng sủa hơn rồi”…

Nói cứng vậy để động viên con, kì thực tôi cũng đang… hoang mang: Không biết sang năm này mọi chuyện thực sự  “sáng sủa hơn” chưa? Đêm nằm thao thức nghĩ đủ chuyện linh tinh. Sáng, trời hửng nắng dạo ra sân, ghé mắt dòm cội mai mấy tháng bỏ quên không ngó ngàng vì dịch bệnh.

Ô kìa! Dưới tán lá xác xơ nhuốm vàng úa cuối Đông - không biết tự khi nào - lấp ló chìa ra vô vàn những nụ mai xanh xám! Hốt nhiên tôi tin cảm nhận của mình về một năm mới “sáng sủa hơn” không phải hoàn toàn vô duyên cớ. Cuộc đời luôn đi theo cái luật vần xoay; hết suy ắt phải thịnh. Qua Đông rét mướt là Xuân ấm. Qua dông bão thiên tai trời lại sáng, gió lại hiền cho vạn vật hồi sinh.

Dịch bệnh, sau “cao trào” khiến nhân loại ngửa nghiêng sẽ phải đến lúc “thoái trào”: Biến mất hoặc chí ít cũng “hiền” đi nếu chưa chán việc đồng hành với loài người. Niềm hi vọng ấy đang âm thầm đơm hoa kết trái trên cội mai già tháng Chạp.

…Bắt đầu từ những nụ mai!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ