Thận trọng và cầu thị khi xây dựng dự án Luật Nhà giáo

GD&TĐ - Dự án Luật Nhà giáo là dự án khó. Vì vậy, trong quá trình xây dựng, Bộ GD&ĐT luôn thận trọng, cầu thị, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý.

Toàn cảnh Phiên họp.
Toàn cảnh Phiên họp.

Tiếp tục Chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo, ngày 28/9. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Phiên họp.

Cần làm rõ những chính sách mới của dự thảo Luật

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ những chính sách được nâng lên từ quy định của văn bản dưới luật; những chính sách quy định lại từ các luật chuyên ngành hiện hành; những chính sách mới của dự thảo Luật.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, đây là luật quy định cho đối tượng, có thể “xung đột” với các luật chuyên ngành liên quan. Do vậy, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ, đặc biệt đối với Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, các luật chuyên ngành thuộc lĩnh vực giáo dục.

Cùng với đó, bổ sung đánh giá đầy đủ nguồn kinh phí và nguồn nhân lực dự kiến thực hiện các chính sách mới để có đủ cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về việc bổ sung chính sách hỗ trợ với đối tượng nhà giáo trẻ, các đại biểu đề nghị cần làm rõ khái niệm như thế nào là nhà giáo trẻ; sự cần thiết có chính sách ưu tiên về tiền lương, đãi ngộ và an sinh xã hội đối với đối tượng này. Đặc biệt, lý do nhà giáo trẻ được được ưu tiên cũng cần được lý giải thuyết phục trong Tờ trình.

luatnhagiao.jpg1.jpg
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại phiên họp.

Cũng tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc tiếp thu kinh nghiệm quốc tế rất quan trọng. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ những kinh nghiệm quốc tế đã được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng Luật để cung cấp cho đại biểu Quốc hội. Đồng thời, đề nghị thống kê, phân tích các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ quy định về điều động trong dự thảo Luật Nhà giáo, đặc biệt là điều động nhà giáo sang các vị trí khác trong hệ thống cơ quan Nhà nước.

Đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ thuật soạn thảo văn bản dự thảo Luật để bảo đảm văn phong, tính quy phạm, tính thống nhất của dự thảo Luật với các luật chuyên ngành khác có liên quan...

Luật Nhà giáo là dự án khó

Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng bày tỏ, dự án Luật Nhà giáo là dự án khó. Vì vậy, trong quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ GD&ĐT luôn thận trọng, cầu thị, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý từ phía Cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan có liên quan, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia…

luatnhagiao.jpg3.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.

Hiện, trong hệ thống pháp luật hiện hành, chưa có những quy định đủ mạnh để phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng mong muốn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ủng hộ về chủ trương xây dựng dự án Luật này.

Đối với các góp ý cụ thể tại Phiên họp, đặc biệt là ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37 vừa qua, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu tối đa để thể hiện rõ nét trong dự thảo Luật.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận, đến thời điểm hiện tại, dự thảo Luật Nhà giáo đã thu hẹp phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.

Các quy định cũng được điều chỉnh theo hướng ngắn gọn hơn theo như tinh thần góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo theo hướng chỉ quy định vào dự thảo Luật Nhà giáo những nội dung đặc thù, cần thiết, có sự đồng thuận cao; những nội dung đã có quy định ở các Luật chuyên ngành khác thì chỉ cần viện dẫn.

Thời gian tới, ông Nguyễn Đắc Vinh mong muốn, các thành viên Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, góp ý để hoàn thiện dự án Luật Nhà giáo, đảm bảo chất lượng tốt nhất, đáp ứng được mong mỏi, kỳ vọng của các nhà giáo và xã hội.

luatnhagiao.jpg4.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu, đặc biệt là góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37 vừa qua.

Trên cơ sở đó, tiếp tục hoàn thiện nội dung và Tờ trình của dự thảo Luật. Trên cơ sở dự thảo Luật và Tờ trình mới, Thường trực Ủy ban sẽ tiến hành thẩm tra và báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Phiên họp vào tháng 10 tới.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Nhà giáo cụ thể hóa 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 7/7/2023 của Chính phủ, bao gồm: Định danh nhà giáo, tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo, tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

luatnhagiao.jpg2.jpg
Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37 và ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, dự thảo Luật Nhà giáo hiện có bố cục gồm 9 chương, 49 điều, quy định về nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo.

Qua thảo luận tại Phiên họp, các ý kiến thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản nhất trí với sự cần thiết của dự án Luật và đồng tình với nhiều quan điểm thể hiện trong dự thảo Báo cáo thẩm tra sơ bộ; đồng thời cho rằng, nhà giáo là lực lượng đông đảo, có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước;

Việc ban hành Luật Nhà giáo ở thời điểm hiện tại sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ