Thân mẫu của nhà thơ Trần Đăng Khoa khuất núi

Thân mẫu của nhà thơ Trần Đăng Khoa khuất núi

Tin thân mẫu của nhà thơ Trần Đăng Khoa mới khuất núi đã khiến nhiều nhà văn, nhà thơ cũng như những độc giả yêu mến thơ ông không khỏi thương tiếc.

Cũng vì, ai cũng biết, những bài thơ thuở lên chín lên mười của cậu bé Trần Đăng Khoa đều được khởi nguồn từ chính người mẹ thân yêu Trần Thị Sen.

“Là thân mẫu của thần đồng thơ, chân dung cụ bà Trần Thị Sen tự nhiên đi vào thi ca như một biểu tượng sinh động về một người mẹ đôn hậu và lam lũ: “Nắng mưa từ những ngày xưa/ Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan” - Trần Đăng Khoa tri ân mẹ bằng những câu thơ hồn nhiên và xúc động.

Người mẹ lao động trong bài thơ "Hạt gạo làng ta" của nhà thơ Trần Đăng Khoa
Người mẹ lao động trong bài thơ "Hạt gạo làng ta" của nhà thơ Trần Đăng Khoa

Trong thơ Trần Đăng Khoa, tái hiện hình ảnh người mẹ lao động ngày thường: “Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng bảy/ Có mưa tháng ba/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy” và cả hình ảnh người mẹ lận đận ngày đau: “Cả đời đi gió đi sương/ Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi”.

Cũng bằng thơ, Trần Đăng Khoa thuở thần đồng, từng ao ước: “Mẹ ơi xin mẹ đừng già/ Những ngày cơ cực đã qua lâu rồi”. Thế nhưng, làm sao tránh được quy luật của tạo hóa, bây giờ nhà thơ Trần Đăng Khoa ở tuổi 62 thì người mẹ đã “cưỡi thơ ra đồng” thanh thản và nhẹ nhàng.” – Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn bày tỏ trên facebook.

Đăng lại bài thơ “Mẹ ốm” cùng bài viết “Bà mẹ của nhà thơ Trần Đăng Khoa” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trên trang cá nhân, với nhà báo Phương Dung đấy là một nén nhang thơm kính viếng và tiễn biệt cụ Trần Thị Sen về cõi vĩnh hằng.

Ở bài viết “Bà mẹ của nhà thơ Trần Đăng Khoa”, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kể, cụ Trần Thị Sen là người có trí nhớ tuyệt vời. Ấy là dịp nhà thơ về  thăm cụ - khi cụ 101 tuổi. “Chúng tôi cứ nghĩ, bà đã hơn trăm tuổi, chắc chỉ nằm một chỗ...

Nhưng không. Mẹ của nhà thơ ngồi trên giường, chân bỏ thõng xuống nền nhà - như những người khỏe mạnh và đứng nhổm lên khi chúng tôi vào...

Khi Khoa giới thiệu tôi, bà nhìn rồi nói: “Cô chưa về đây bao giờ, nhưng tôi thích thơ cô lắm: Các cụ ông say thuốc - Các cụ bà say trầu - Còn con trai con gái - Chỉ nhìn mà say nhau. Tôi lại cứ tưởng cô cũng là người dân quê đồng bãi”...

Đến lượt nhà văn Lê Phương Liên, bà mỉm cười: “Tôi còn nhớ đã gặp cô rồi. Cô về đây khi Khoa mới làm thơ và được đăng báo, hôm ấy còn có nhiều người về lắm, đúng không?”.

Chúng tôi, đặc biệt là nhà văn Lê Phương Liên rất ngạc nhiên về trí nhớ tuyệt vời của bà.” – Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn viết.

Còn trong những câu chuyện của nhà thơ Trần Đăng Khoa thì cụ Trần Thị Sen là người mẹ một nắng hai sương nơi làng quê.

Người mẹ trong bài thơ "Mẹ ốm" được nhà thơ Trần Đăng Khoa lấy từ nguyên mẫu cụ bà Trần Thị Sen
Người mẹ trong bài thơ "Mẹ ốm" được nhà thơ Trần Đăng Khoa lấy từ nguyên mẫu cụ bà Trần Thị Sen

Cụ bà chưa bao giờ được cắp sách đến trường nhưng lại thuộc làu: Truyện Kiều, Thạch Sanh, Hoàng Trìu, Phạm Tải Ngọc Hoa... qua truyền miệng.

Sau này, khi có cuốn Truyện Kiều của con, cụ bà lần theo từng câu thơ đã thuộc vẹt, nhận ra mặt chữ rồi dần biết đọc.

Cụ bà đọc rộng ra các cuốn sách khác như thơ Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, thơ của hai cậu con trai (Trần Đăng Khoa, Trần Nhuận Minh).

Cụ bà đã dạy các con học Truyện Kiều cũng chỉ muốn con biết thương cô Kiều.

Trong mắt những đứa con của cụ bà, con gà, con chó, hay cây cối trong vườn cũng đều có tâm trạng, tình cảm như những con người cũng từ sự dạy bảo của người mẹ này mà ra.

Cùng với các nhà văn, nhà thơ, những độc giả cũng bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của thân mẫu nhà thơ Trần Đăng Khoa:

“Đọc được bài chia sẻ này, cháu cũng thấy cháu có 1 phần tuổi thơ được như bác (nhà thơ Trần Đăng Khoa - PV).

Hồi nhỏ cháu cũng hay được mẹ đọc thơ cho nghe và nhớ nhiều. Khi lớn, mỗi lần đọc lại bài thơ “Mẹ ốm” của bác, cháu đều rất xúc động.

Mấy tập thơ của bác, cháu đều lưu giữ và giờ đọc lại cho con gái cháu nghe. Cháu cảm ơn bác, cảm ơn người mẹ hiền của bác ạ.” – Một độc giả kính cẩn ghi lại dòng cảm xúc trên facebook của nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ