Thần Kinh nhị thập hay thập nhị cảnh?

Thần Kinh nhị thập hay thập nhị cảnh?

Trước tiên, cần xác định rằng đó là nhan đề chùm thơ của hoàng đế Hiến Tổ Chương, thường được gọi theo niên hiệu là vua Thiệu Trị, húy Nguyễn Phúc Tuyền (1807 - 1847), húy khác là Miên Tông. Nhan đề chữ Hán 神京二十景, phiên âm Thần Kinh nhị thập cảnh, mang nghĩa: 20 (hai mươi) cảnh đẹp ở địa bàn hiện là tỉnh Thừa Thiên – Huế. Năm Ất Tị 1845, niên hiệu Thiệu Trị V, chùm thơ đó được đích thân tác giả ra lệnh cho Nội Các, lúc ấy do Phạm Thế Hiển (1803 - 1861) đứng đầu, “cố định hóa” bằng nhiều cách:

a. Khắc mỗi bài thơ vào 1 bảng đồng, đặt tại thắng cảnh mà bài thơ đề cập.

b. Khắc mỗi bài thơ vào 1 bia đá, dựng tại thắng cảnh mà bài thơ đề cập.

c. Vẽ tranh gương, thực hiện tại Trung Hoa.

d. Vẽ lên đồ sứ men lam ký kiểu, thực hiện tại Trung Hoa.

e. In thành sách 御題圖繪詩集 / Ngự đề đồ hội thi tập, tắt hóa thành Ngự tập, có tranh khắc gỗ minh họa.

Bởi dập dồn biến động, hiện chẳng còn bảng đồng nào, bia đá còn 8 tấm, tranh gương còn 5 tấm, đồ sứ ký kiểu chỉ còn 1 đĩa Vân sơn thắng tích, sách Ngự tập may mắn còn nguyên. Trên cơ sở đó, Phan Thuận An, Phạm Đức Thành Dũng, Phan Thanh Hải, Nguyễn Phước Hải Trung kết hợp một số người phiên dịch chùm thơ đang xét thành sách Thần Kinh nhị thập cảnh – thơ vua Thiệu Trị (NXB Thuận Hóa, Huế, 1997).

Với Thần Kinh nhị thập cảnh, mỗi bài thơ đều theo thể thất ngôn bát cú Đường luật vần bằng, mà đây là nhan đề từng bài xếp thứ tự theo Ngự tập, phiên âm và in nghiêng, các chữ in thường sau đó chỉ giải thích chứ không Việt dịch.

1. Trùng Minh Viễn chiếu: Lầu Minh Viễn trong Tử Cấm thành, Huế.

2. Vĩnh Thiệu Phương văn: Vườn Thiệu Phương trong Tử Cấm thành, Huế.

3. Tịnh hồ hạ hứng: Hồ Tịnh Tâm trong Kinh thành, Huế.

4. Thư uyển xuân quang: Vườn Thư Quang trong Kinh thành, Huế.

5. Ngự viên đắc nguyệt: Vườn Ngự trong Tử Cấm thành, Huế.

6. Cao các sinh lương: Hồ Nội Kim Thủy trong Hoàng thành, Huế.

7. Trường Ninh thùy điếu: Cung Trường Ninh trong Hoàng thành, Huế.

8. Thường Mậu quan canh: Vườn Thường Mậu trong Kinh thành, Huế.

9. Vân sơn thắng tích: Chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân, dân gian gọi chệch thành Túy Vân, hiện ở xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc.

10. Thuận hải quy phàm: Biển Thuận An hiện ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang.

11. Hương giang hiểu phiếm: Sông Hương chảy từ ngã ba Bằng Lãng, nơi Tả Trạch hợp lưu Hữu Trạch, ở các thị xã Hương Trà và Hương Thủy, ngang qua Huế, xuôi về huyện Phú Vang rồi đổ vào phá Tam Giang.

Thần Kinh nhị thập hay thập nhị cảnh? ảnh 1
Ở làng Hiền An, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, trên núi Thúy Vân có chùa Thánh Duyên mà kiến trúc cao nhất là tháp Điều Ngự. Ảnh: Phanxipăng

12. Bình lãnh đăng cao: Núi Ngự Bình ở Huế.

13. Linh quán khánh vận: Quán Linh Hựu trong Kinh thành, Huế.

14. Thiên Mụ chung thanh: Chùa Thiên / Linh Mụ có tháp Phước Duyên cao 7 tầng trên đồi Hà Khê ở Huế.

15. Trạch nguyên tao lộc: Đầu nguồn sông Hương gồm Tả Trạch ở các huyện Nam Đông, Phú Lộc cùng các thị xã Hương Thủy, Hương Trà; và Hữu Trạch ở huyện A Lưới cùng thị xã Hương Thủy.

16. Hải nhi quan ngư: Ở xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, đầm Hà Trung trong hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.

17. Giác Hoàng phạm ngữ: Chùa Giác Hoàng trong Kinh thành, Huế.

18. Huỳnh tự thư thanh: Trường Quốc Tử Giám kề sông Hương, cạnh Văn Thánh / Văn Miếu và Võ Thánh / Võ Miếu, hiện thuộc thị xã Hương Trà.

19. Đông lâm dực điểu: Rừng Đông, thường gọi lùm Chánh Đông ở làng Thần Phù, hiện là phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy.

20. Tây lãnh thang hoằng: Suối nước nóng chảy ra nguồn Tả Trạch, ở xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy.

Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là Thạc sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Phước Hải Trung phát biểu: “Thần Kinh nhị thập cảnh, tức 20 thắng cảnh của đất Huế đã từng được vua Thiệu Trị xếp hạng và vịnh thơ hồi giữa thế kỷ XIX. Trải qua bao cuộc dâu bể, đến nay cả 20 thắng cảnh này hầu như đều đã không còn, hoặc giả còn thì cũng đã biến đổi rất nhiều”.

Trong khu vực Đại Nội tức Hoàng thành và Tử Cấm thành, lầu Minh Viễn đã bị triệt giải vào đời vua Tự Đức, vườn Thiệu Phương bị triệt giải vào đời vua Đồng Khánh, cung Trường Ninh còn gọi cung Trường Sanh bị đánh sập vào năm 1945; những thắng cảnh nọ cùng vườn Ngự và hồ Nội Kim Thủy hiện đang cần nghiên cứu, nếu khả dĩ thì triển khai phục hồi.

Trong Thành Nội tức Kinh thành, chùa Giác Hoàng (ngôi quốc tự thờ Phật và Bồ tát) bị Pháp phá hủy vào năm 1902 để xây Viện Cơ mật, chỗ các Hộ lý của các Bộ làm việc, Musée Économique / Bảo tàng Kinh tế, mà dân gian quen gọi Tam Tòa; quán Linh Hựu (thờ Lão Tử) qua sự xếp đặt của đại thần Ngô Đình Khả (1850 - 1923) và con trai là tổng giám mục Ngô Đình Thục (1897 - 1984) đã trở thành giáo đường Tây Linh.

Trường Quốc Tử Giám ở thị xã Hương Trà từ năm 1908 chuyển vào Kinh thành. Suối nước nóng ở Dương Hòa, cảnh cuối cùng trong danh mục Thần Kinh nhị thập cảnh, hiện chìm sâu khuất vì từ cuối năm 2012 đã trở thành đáy hồ Tả Trạch.

Các thắng cảnh khác gồm Tả và Hữu Trạch, sông Hương, núi Ngự, đầm Hà Trung, biển Thuận An, hồ Tịnh Tâm, chùa Thiên / Linh Mụ, rừng Đông / lùm Chánh Đông, chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân nay vẫn còn, tất nhiên trải qua thời gian, đã liên tục biến đổi bởi tác động của tự nhiên và xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ