Thảm kịch trên đảo Ni’ihau

GD&TĐ - Ni’ihau là đảo nhỏ nhất trong số các hòn đảo có người ở thuộc quần đảo Hawaii.

Đảo Ni’ihau nhìn từ trên không.
Đảo Ni’ihau nhìn từ trên không.

Vào năm 1992, nó được chọn làm nơi quay bộ phim bom tấn “Công viên kỷ Jura” của Steven Spielberg và sau đó trở thành “điểm hành hương” của những người hâm mộ khủng long. 

Tuy nhiên, lý do quan trọng khiến Ni’ihau được biết đến nhiều hơn, ít nhất đối với giới sử học, là sự cố bi thảm diễn ra nơi đây vào năm 1941.

Đảo yên bình

Đảo Ni’ihau thuộc sở hữu tư nhân kể từ năm 1864, khi Elizabeth McHutcheson Sinclair bỏ tiền ra mua nó từ chính quyền theo thể chế quân chủ ở Hawaii.

Là con gái của một thương gia giàu có người Scotland, 30 năm trước đó, bà kết hôn với Francis W. Sinclair, một thuyền trưởng nổi tiếng vì đã đương đầu với sóng to gió lớn, đưa tàu Công tước Wellington trở về an toàn sau trận Waterloo vào năm 1815.

Tuy nhiên, ông không thể vượt qua một cơn bão khác vào năm 1846, khiến Elizabeth trở thành góa bụa với 5 đứa con phải nuôi nấng (đứa thứ 6 chết cùng cha).

Khi những đứa trẻ lớn lên và lần lượt có gia đình riêng, khu nhà ở trở nên chật chội, Elizabeth quyết định rời New Zealand, nơi họ định cư, đến British Columbia (Canada) sinh sống.

Tuy nhiên, châu Mỹ không phải là miền đất hứa như kỳ vọng, nên họ lại tiếp tục ra đi, lần này đến Hawaii, nơi có một trong những người anh em của Elizabeth sinh sống. Bỏ ra 10 nghìn đô la để mua lại Ni’ihau làm trang trại nuôi cừu, Elizabeth Sinclair quản lý hòn đảo trong 28 năm cho đến khi qua đời vào năm 1892.

Mặc dù đến năm 1959, quần đảo Hawaii mới trở thành một thành các bang của Mỹ, nhưng kể từ năm 1898, nó đã được Mỹ hóa với căn cứ không - hải quân quan trọng ở Thái Bình Dương của nước này đóng tại đó.

Năm 1922, cháu trai của Elizabeth McHutcheson Sinclair là Aylmer Francis Robinson trở thành chủ nhân của Ni’ihau, nhưng ông không sống ở đây mà ở tại hòn đảo Kaua’i.

Mỗi tuần một lần, ông đi thuyền vượt qua 17 dặm, đến Ni’ihau để kiểm tra công việc. Mọi chuyện đều suôn sẻ cho đến ngày nọ, một máy bay chiến đấu của Nhật Bản rơi xuống đảo, sau cuộc tấn công Trân Châu cảng ngày 7/12/1941.

Phi công Nhật, Shigenori Nishikaichi, và chiếc máy bay bị rơi trên đảo.
Phi công Nhật, Shigenori Nishikaichi, và chiếc máy bay bị rơi trên đảo.

Sự cố máy bay rơi

Shigenori Nishikaichi, một phi công 22 tuổi của Nippon Kaigun (Hải quân đế quốc Nhật Bản), tham gia đợt tấn công thứ hai vào Trân Châu cảng. Anh lái chiếc A6M Zero cất cánh từ tàu sân bay Hiryū, với nhiệm vụ dẫn đường trong cuộc tấn công vào Căn cứ Không - Hải quân Mokapu và Sân bay quân sự Bellows.

Trên đường về, họ đụng độ với 9 chiếc máy bay chiến đấu Curtiss P-36A của Mỹ và trận không chiến đã xảy ra. Máy bay Mỹ lạc hậu, chậm chạp nên lần lượt bị bắn hạ. Tuy nhiên, chiếc Zero của Nishikaichi cũng bị trúng đạn và bắt đầu cạn nhiên liệu. Không thể theo kịp tổ bay, Nishikaichi buộc phải hạ cánh khẩn cấp.

Hải quân Nhật đã dự liệu tình huống như vậy nên đã chỉ định một hòn đảo nhỏ không có người ở, rộng khoảng 180 km vuông, ở phía Tây Bắc của quần đảo Hawaii, nơi một tàu chiến hoặc tàu ngầm có thể đến đón phi công khi máy bay của họ trúng đạn không thể về căn cứ.

Nhưng người Nhật đã sai lầm vì hòn đảo này có cư dân sinh sống, dù rất ít, chỉ 136 người. Nó có tên là Ni’ihau, còn được gọi là đảo Kapu, hoặc “đảo Cấm”, vì hạn chế người ngoài tiếp cận.

Nishikaichi hạ cánh khẩn cấp xuống đảo, chiếc máy bay bị vướng vào hàng rào dây kẽm bao quanh một cánh đồng thuộc sở hữu của Hawila Kaleohano, người bản địa 29 tuổi. Anh này vẫn chưa biết gì về cuộc tấn công Trân Châu cảng.

Ánh Mặt trời chiếu rọi trên thân chiếc máy bay giúp anh xác định được quốc tịch của nó. Lợi dụng lúc viên phi công vẫn còn choáng váng vì cú va đập quá mạnh khi tiếp đất, Hawila mở cửa buồng lái, thu giữ tài liệu và khẩu súng lục Nambu 14.

Ngay sau đó, những người Hawaii khác đến và cùng nhau kéo viên phi công Nhật Bản ra khỏi đống đổ nát, đưa anh ta về thị trấn. Nishikaichi được đối xử tốt, nhưng mọi người không hiểu những gì anh ta nói nên họ gọi Ishimatsu Shintani, người nuôi ong biết tiếng Nhật đến để phiên dịch.

Tuy nhiên, sau vài câu trao đổi với viên phi công, Shintani bỏ đi không một lời giải thích. Những người Hawaii bối rối, tìm đến một phiên dịch khác là Yoshio Harada, vốn sinh ra ở Hawaii nhưng có tổ tiên là Nhật Bản.

Nishikaichi nói cho Harada biết về cuộc tấn công Trân Châu cảng, thông tin mà Harada nghĩ rằng cần thận trọng nên không chia sẻ với dân làng. Nhưng sau vài giờ, khi tin tức về cuộc tấn công được phát trên đài phát thanh, thái độ của người Hawaii đối với vị khách của họ đã thay đổi.

Nishikaichi bị bắt, và vì hòn đảo không có nhà tù nên họ quyết định giam giữ viên phi công ở nhà Harada và phân công bốn thanh niên thay phiên canh giữ, chờ sự quyết định của Aylmer Robinson, mà theo lịch, ông ta sẽ đến đây vào ngày hôm sau.

Tuy nhiên, họ không hề hay biết, do Hải quân hạn chế lưu thông hàng hải sau cuộc tấn công của Nhật nên Robinson không thể đến. Nhiều ngày trôi qua, người dân trên đảo ngày càng trở nên lo lắng. 

Benehakaka Kanahele và vợ, được xem là người hùng sau sự cố Ni’ihau.
Benehakaka Kanahele và vợ, được xem là người hùng sau sự cố Ni’ihau.

Thảm kịch xảy ra

Trong thời gian này đã xảy ra một âm mưu đen tối.

Ishimatsu Shintani (người phiên dịch đầu tiên) đề nghị đưa cho Kaleohano (người đã thu giữ tài liệu của Nishikaichi) hai trăm đô la tiền mặt để đổi lấy tài liệu của viên phi công. Đó là một số tiền đáng kể, nhưng anh nông dân Hawaii này từ chối, bất chấp những đe dọa sẽ gặp rắc rối vì nó.

Trong khi đó, Harada thông đồng với Nishikaichi khống chế người bảo vệ bên ngoài ngôi nhà của mình và nhốt anh ta trong một nhà kho. Cả hai mang súng đến nhà của Kaleohano để lấy lại tài liệu.

Đây là mối quan tâm lớn của Nishikaichi, anh ta đã nhận lệnh phải hủy chúng trong trường hợp bị bắt, bởi vì trong đó có mật mã, bản đồ và các chi tiết về kế hoạch tấn công những đợt tiếp theo.

Kaleohano ở trong nhà nhìn thấy Harada và Nishikaichi đến. Anh ta trốn kỹ nên không bị phát hiện. Khi thấy hai người chuyển sự chú ý đến chiếc máy bay rơi ở gần đó, Kaleohano vội lao ra khỏi nhà, chạy thục mạng về làng, báo cho mọi người vụ việc trên và khuyên họ nên sơ tán khỏi nơi này. Nhiều người không tin người bạn tốt và hàng xóm của họ, Harada, lại có thể làm những điều mà Kaleohano đã kể.

Nhưng không lâu sau, người bảo vệ bị giam giữ trốn thoát được trở về xác nhận những lời của Kaleohano là đúng. Do sợ bị tấn công, cư dân lập tức chạy trốn, phụ nữ và trẻ em được đưa đến các hang động, bụi rậm và các bãi biển xa

Nhưng Nishikaichi không có hứng thú với việc tấn công dân làng. Anh ta tìm đến chiếc Zero bị rơi là để phục hồi máy vô tuyến, liên lạc với quân đội. Thật không may, những nỗ lực này trở nên vô ích, vì vậy anh ta đã tháo một trong những khẩu súng máy 7,7mm, lấy hết đạn dược rồi đốt cháy chiếc máy bay. Sau đó, cả hai quay trở lại nhà của Kaleohano và phóng hỏa nó, hy vọng các tài liệu bị thu giữ sẽ cháy theo.

Nhưng điều này cũng vô ích vì Kaleohano đã lén quay lại lấy tài liệu khi hai người còn ở chỗ máy bay rơi. Sau đó, người Nhật và đồng minh của anh ta đã bắt một người dân trên đảo, Kaahakila Kalimahuluhulu, còn được gọi là Kalima, và bạn của ông ta là Benehakaka Kanahele, bí danh Ben.

Bà Elizabeth McHutcheson Sinclair, chủ nhân đầu tiên của đảo Ni’ihau.
Bà Elizabeth McHutcheson Sinclair, chủ nhân đầu tiên của đảo Ni’ihau.

Họ được lệnh phải đưa Kaleohano đến để đổi lấy vợ của Ben hiện đang bị bắt làm con tin. Cả hai giả vờ nghe theo, dù biết Kaleohano đã rời hòn đảo trên một chiếc xuồng, chèo về phía Kauaʻi cùng với năm người khác.

Lợi dụng sự mệt mỏi và chán nản của hai kẻ bắt giữ mình, Kanahele và vợ đã lao vào tước vũ khí của chúng. Trong cuộc ẩu đả, Kanahele đã nhận ba phát đạn, nhưng dù bị thương, anh vẫn gắng sức ném kẻ thù của mình vào tường, vợ anh dùng đá đập vào đầu hắn. Kanahele sau đó kết liễu viên phi công Nhật bằng một nhát dao. Harada sững sờ không biết phải phản ứng thế nào, cuối cùng tự sát bằng khẩu súng ngắn của Nishikaichi.

Sau khi chèo thuyền trong 10 giờ, Kaleohano đến được hòn đảo khác và báo cho nhà chức trách biết vụ việc. Chiều ngày hôm sau, 14/12, Robinson đến Ni’ihau, mang theo một toán lính.

Ishimatsu Shintani và Irene, vợ của Yoshio Harada, bị bắt. Shintani bị giam trong trại tù dành cho người Mỹ gốc Nhật, còn Irene ở nhà tù quân sự ở Oahu, bị buộc tội gián điệp, cho đến tháng 6/1944 mới được thả.

Benehakaka Kanahele chữa trị vết thương và hồi phục trong Bệnh viện Kauaʻi. Vào năm 1945, ông được trao tặng Huy chương Purple Heart và Huân chương Công trạng. Bảo tàng Hàng không Trân Châu cảng, nằm trên một hòn đảo nhỏ ở vịnh Attack, trên đảo Oahu, đã lưu giữ những phần còn lại bị cháy của chiếc A6MZero.

Tại Imabari, quê hương của Nishikaichi ở Nhật Bản, anh ta được cho là đã hy sinh trong cuộc tấn công Trân Châu cảng và một đài tưởng niệm được dựng lên để tôn vinh viên phi công này.

Cho đến năm 1956, tình tiết về cái chết của Nishikaichi mới được tiết lộ và gia đình anh đã mang tro cốt người thân của họ về Nhật.

Sau sự cố Ni’ihau, Tổng thống Franklin D. Roosevelt ký các lệnh hành pháp 9006 và 9102 cho phép Bộ trưởng Chiến tranh giam giữ bất kỳ người Mỹ gốc Nhật nào trong các trại thanh lọc. Tuy nhiên, dân số Nhật Bản ở Hawaii phần lớn không bị ảnh hưởng, bởi vì họ chiếm gần 90% tổng số thợ mộc, công nhân vận tải và một phần đáng kể trong lao động nông nghiệp ở Hawaii. Trục xuất, hay giam giữ họ sẽ hủy hoại nền kinh tế địa phương.
Theo Amusingplanet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.