Thảm kịch Mogadishu

GD&TĐ - Những người cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân sống sót sau thảm kịch Mogadishu (Somali). Đã có hơn 300 người thiệt mạng sau vụ đánh bom kép tại thành phố này, khi cuộc chiến giữa những người Hồi giáo nổi dậy và người dân Somali trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Thảm kịch Mogadishu

Thiệt hại khôn lường

Cuộc tấn công kép diễn ra vào cuối tuần qua, với số thương vong từ 20 người đã lên đến hơn 300 người, cùng với khoảng chừng đó người bị thương. “Đây là vụ việc tồi tệ nhất mà tôi từng biết, kể từ những năm 90 của thế kỷ XX, sau sự sụp đổ của chính phủ trước đây” - Abshir Ahmed, một thượng nghị sĩ thừa nhận.

Cuộc tấn công diễn ra khi nước Mỹ, với sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, đã có những động thái mới nhằm triệt hạ nhóm Shabab, các tay súng Somali – vốn là những kẻ khủng bố đất nước này và Đông Phi trong nhiều năm qua, thường xuyên bắn giết người dân xuyên biên giới, góp phần làm tệ hại hơn nạn đói và gây bất ổn lớn trong khu vực.

Mặc dù chưa có ai nhận trách nhiệm về vụ việc, nhưng các nghi ngờ đều dồn về nhóm Shabab, nhóm thường có các hoạt động phá hoại nhằm vào thủ đô Mogadishu của Somali.

Trong những năm gần đây, nhóm Shabab, từng có thời điểm kiểm soát gần hết thành phố Mogadishu, đã mất đi hầu hết lãnh thổ sau những cuộc tấn công của lực lượng Liên minh châu Phi, quân đội tăng cường của Somali cùng sự tăng cường không lực của Mỹ.

Tuy nhiên, bất luận nhiều năm Mỹ thúc đẩy các hoạt động chống khủng bố, nhóm Shabab vẫn là một lực lượng mạnh, nguy hiểm và đầy chết chóc ở đất nước này. Một số chiến binh Shabab tuyên bố trung thành với al - Qaeda, một số khác lại ủng hộ IS.

Trong hoàn cảnh thương đau, số thương vong được tổng hợp mỗi lúc một tăng, Tổng thống Somali, ông Mohamed Abdullahi Mohamed đã tuyên bố lễ tang quốc gia kéo dài 3 ngày. Ông hiến máu cho các nạn nhân và kêu gọi các công dân cùng tham gia. “Cuộc tấn công khủng khiếp này chứng tỏ kẻ thù của chúng ta sẽ không từ một hành động nào để khiến chúng ta đau đớn. Hãy đoàn kết, cùng nhau chống lại sự kinh hoàng này. Khủng bố không thể chiến thắng” - ông kêu gọi trên Twitter.

Sau vụ đánh bom 1 ngày, những đám lửa tại hiện trường vẫn chưa thể dập hết. Thượng nghị sĩ Ahmed, Phó Chủ tịch Thượng viện Somali, viết trên Facebook rằng ông đã được nghe một giám đốc bệnh viện nói rằng có ít nhất 130 xác chết bị thiêu cháy, không thể nhận dạng. Một số nhân chứng cho rằng vụ việc còn có thể tồi tệ hơn nữa do thời điểm đó có rất nhiều ô tô bị kẹt trên đường phố tại khu vực quả bom phát nổ.

Somali chưa thể bình ổn

Những niềm hy vọng về một đất nước Somali bình ổn và phục hồi sau 25 năm hỗn loạn phần nào tan chảy. Những năm gần đây, người dân nước này tỏ ra lạc quan hơn với chính phủ mới. Tuy nhiên, trong thế giới chính trị mong manh của Somali, mối đe dọa Shabab chưa bao giờ biến mất.

Trong năm nay, hàng trăm người đã bị giết hoặc bị thương trong các vụ tấn công vào thủ đô liên tục. Các nhà phân tích cho rằng, cuộc tấn công này có thể là sự trả đũa vì Shabab bị mất lãnh thổ, cũng như việc Mỹ tăng cường các cuộc tấn công kể từ khi Tổng thống Mỹ Trump nới lỏng các tiêu chí cấm đoán nhằm hạn chế sự thương vong của dân thường.

Kể từ đầu năm 2017, các chiến dịch của lực lượng đặc biệt Mỹ đã tiến hành 15 cuộc không kích chống lại quân và tướng Shabab cùng các trại huấn luyện của nhóm dân binh này. Chỉ riêng trong tháng qua, đã có 5 cuộc tấn công của Mỹ chống lại phiến binh ở châu Phi.

Một trong những cuộc tấn công diễn ra vào ngày 30/7 đã khiến một chỉ huy của Shabab là Ali Jabal thiệt mạng. Ali Jabal là người đã thiết kế và lãnh đạo các cuộc tấn công nhằm vào Mogadishu và nhiều điểm khác ở Somali.

Sau khi Ali Jabal bị giết, Bộ Tư lệnh châu Phi của Lầu Năm Góc cho biết việc vô hiệu hóa Ali Jabal sẽ làm suy giảm đáng kể khả năng của Shabab trong việc điều phối các vụ tấn công tại thủ đô và miền Nam Somali.

Các chuyên gia chống khủng bố cho rằng, vụ đánh bom vừa qua vượt xa những gì mà Shabab đã tiến hành trước đó và lo ngại nhóm này có thể đã nhận được sự giúp đỡ của các chiến binh al - Qaeda tại Yemen, al - Qaeda ở bán đảo Ả Rập. Các chuyên gia về châu Phi cho biết: cuộc tấn công có thể khiến Shabab bị kịch liệt phản đối. Đây cũng chính là lý do nhóm này đã không nhận trách nhiệm về vụ tấn công, ít nhất là cho đến thời điểm này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ