Thái Nguyên dồn sức khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống cho người dân

GD&TĐ -Tỉnh Thái Nguyên đã khẩn trương triển khai các phương án khắc phục hậu quả mưa lũ để sớm ổn định đời sống cho người dân bị ảnh hưởng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm hỏi động viên nhân dân tại xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm hỏi động viên nhân dân tại xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Khẩn trương khắc phục hậu quả

Theo thống kê, từ ngày 06/9 đến ngày 11/9/2024 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có mưa to đến rất to kèm dông, lốc. Mưa to từ thượng lưu sông Cầu tại tỉnh Bắc Kạn kết hợp mưa trong khu vực tỉnh Thái Nguyên làm mực nước sông Cầu dâng cao gây ngập lụt cho một số địa phương. Đây là đợt lũ lịch sử trên sông Cầu (từ năm 1959 đến nay mới xuất hiện) gây ngập lụt tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh làm thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024 trên địa bàn tỉnh, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành các Công điện, thông báo và triển khai các biện pháp nhằm tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh.

3.jpg
Mưa lũ gây ảnh hưởng thiệt hại nặng nề.

Đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các địa phương huy động các lực lượng dân sự, công an, quân đội địa phương cùng với lực lượng quân đội hỗ trợ của Quân khu 1, Sư đoàn 312 - Quân đoàn 12 và các đơn vị đóng quân trên địa bàn tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh.

Cấp ủy, chính quyền địa phương huy động lực lượng, phương tiện tại cơ sở giúp các hộ gia đình thu dọn hiện trường, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, đồng thời tiếp tục kiểm tra, rà soát, thống kê đánh giá thiệt hại trên địa bàn cũng như hỗ trợ người dân để sớm ổn định cuộc sống.

Ông Hoàng Quý Dương, Bí thư Đảng uỷ phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn do bão số 3 và mưa lũ, đến nay chính quyền đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Để giúp người dân sớm ổn định lại cuộc sống, địa phương cũng tích cực huy động các lực lượng dọn dẹp vệ sinh, đồng thời phun khử trùng trên địa bàn, hỗ trợ các hộ dân gặp khó khăn.

Đảm bảo môi trường khi tổ chức hoạt động giáo dục

Đối với ngành giáo dục, mưa lũ xảy ra đã khiến cho nhiều học phải nghỉ học tạm thời để đảm bảo an toàn. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của tất cả các lực lượng và các bậc phụ huynh để đảm bảo môi trường học đường vệ sinh, an toàn khi tổ chức hoạt động giáo dục trở lại.

Tại huyện Võ Nhai, bão số 3 đã khiến nhiều trường học thiệt hại, cụ thể: Trường tiểu học Dân Tiến I huyện võ Nhai toàn bộ mái tôn nhà để xe của giáo viên khoảng 150m đã bị bay toàn bộ ra khỏi nhà trường và nằm giữa đường đi xóm Phương Bá, nhiều tấm tôn ở nhiều phòng học, phòng chức năng bị tốc và bay xa khoảng từ 20 đến 60m. Những thanh sắt nặng khoảng 30 - 40kg cũng bị bão cuốn bay từ tầng 2 xuống, có thanh sắt bay lao vào tường lớp học dưới tầng 1, có thanh sắt đâm làm thủng tường lớp. Trường THCS La Hiên bị đổ cột, cổng biển, điểm trường Lam Bình Sơn thuộc trường Tiểu học Cúc Đường bị tốc mái. Nhà trường đã cử lực lượng bảo vệ và giáo viên chuyển đồ sang khu vực an toàn.

Thầy cô tích cực dọn dẹp trường lớp.jpg
Thầy cô tích cực dọn dẹp trường lớp.

Ông Nguyễn Văn Mùi, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Võ Nhai chia sẻ: Do tình hình mưa lũ có nhiều diễn biến bất thường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn vẫn tiếp tục cho học sinh nghỉ, bên cạnh việc ứng trực, ứng phó, bảo vệ tài sản của nhà trường, ngay sau khi nước rút các thầy cô cũng được huy động trường để dọn dẹp, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Tính đến ngày 13/9, 100% học sinh thuộc các trường trên địa bàn huyện Võ Nhai đã quay trở lại học tập bình thường.

Chung tay với địa phương khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ gây ra, Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên các trường Đại học thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên cũng tích cực, nỗ lực huy động các lực lượng tham gia.

Anh Lê Văn Hiếu, Bí Thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Thái Nguyên cho biết: Trong những ngày qua lực lượng tình nguyện viên là các đoàn viên, sinh viên của Đại học Thái Nguyên đã ra quân mỗi ngày hai ca, mỗi ca từ 30 - 50 người, chia thành nhiều tổ cơ động, thực hiện quét dọn, thu gom rác thải, nạo vét bùn lắng đọng, phun khử khuẩn tại các khu dân cư, các hộ gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt…

1.jpg
Động viên các đội tình sinh viên tình nguyện tham gia dọn dẹp khắc phục hậu quả.

Những màu áo xanh tình nguyện miệt mài chung tay khắc phục hậu quả sau lũ lụt đã để lại hình ảnh đẹp trong lòng người dân. “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” - Mang theo tinh thần ấy, Tuổi trẻ Đại học Thái Nguyên đã nỗ lực phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện bằng những hoạt động thiết thực, góp phần đưa cuộc sống của người dân sớm trở lại nhịp sống bình thường.

Theo thống kê của toàn tỉnh, mưa lũ do bão số 3 gây ngập lụt đã làm 25.821 hộ phải di dời khẩn cấp, 61 điểm trường bị ảnh hưởng làm hư hại 9.978 héc ta lúa và hoa màu cùng nhiều tài sản khác của nhà nước và nhân dân. Ước tính tổng thiệt hại 600 tỷ đồng. Cơn lũ đi qua, cấp uỷ, địa phương đã tất bật huy động lực lượng, phương tiện tại cơ sở giúp các hộ gia đình thu dọn, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, đồng thời thăm hỏi động viên nhân dân sớm ổn định cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.