Thách thức của WHO

GD&TĐ - Ngày 6/2, thêm một quốc gia quan trọng tại châu Mỹ là Argentina theo chân Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Ngày 6/2, thêm một quốc gia quan trọng tại châu Mỹ là Argentina theo chân Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với lý do có sự khác biệt sâu sắc với cơ quan Liên Hợp Quốc này.

Phát ngôn viên Manuel Adorni đã thay mặt Tổng thống Argentina Javier Milei công bố quyết định trên trong một cuộc họp báo tại Thủ đô Buenos Aires. Tuy chưa có thời điểm cụ thể khi nào Argentina sẽ chính thức rút khỏi tổ chức y tế lớn nhất thế giới này nhưng đây vẫn là một cú sốc mới đối với cơ quan của Liên Hợp Quốc.

Trước đó, ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau khi nhậm chức hôm 21/1, Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp rút nước Mỹ khỏi WHO. Đây thực sự là một tổn thất lớn đối với cơ quan này vì trong giai đoạn 2024-2025 dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, Mỹ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất của WHO với số tiền ước tính 988 triệu USD, chiếm khoảng 14% tổng ngân sách hoạt động 6,9 tỷ USD của WHO.

Nhiều chương trình y tế khẩn cấp của WHO đang phụ thuộc vào tiền tài trợ của nước Mỹ, đồng thời đây cũng là nguồn cung cấp mang tính “xương sống” cho các hoạt động quan trọng khác. Việc Mỹ rút khỏi WHO đồng nghĩa với việc các chương trình viện trợ quốc tế chống lại bệnh bại liệt, lao và HIV mà WHO điều phối thực hiện tại nhiều nước đang phát triển sẽ bị xóa sổ.

Do đó, WHO đã rơi vào tình trạng báo động với quyết định từ chính quyền mới của nước Mỹ. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom trong những ngày qua liên tục kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu gây sức ép với Washington để thay đổi quyết định trên, đồng thời nỗ lực cung cấp các thông tin theo yêu cầu về dịch bệnh và chi tiêu để tìm cách đưa nước Mỹ trở lại.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng đang cân nhắc các yêu cầu với WHO về một loạt các cải cách để nước này có thể tiếp tục tư cách thành viên của mình và thực hiện các khoản đóng góp như trước đây. Theo giới phân tích, một trong những cải cách mà Washington mong muốn là thay vị trí lãnh đạo của WHO với cáo buộc đây là cơ quan Liên Hợp Quốc hoạt động kém hiệu quả nhất hiện nay.

Giới chức WHO bác bỏ các cáo buộc trên nhưng cũng phát tín hiệu sẵn sàng cải cách để đáp ứng yêu cầu của Mỹ, dù việc này không hề đơn giản và sẽ tốn nhiều thời gian. Hiện Mỹ đã ngừng tư cách thành viên với WHO nhưng nước này vẫn đang cử một phái đoàn đến họp Ban điều hành WHO từ ngày 3 đến 11/2 tại Geneve (Thụy Sỹ), nhằm xác định ngân sách và các ưu tiên sắp tới của cơ quan này.

WHO thực sự phải đối mặt với khó khăn lớn về ngân sách hoạt động khi Mỹ rời đi. Trong khi “cơn đau đầu” này vẫn còn chưa thể giải quyết thì việc Argentina theo chân Washington rời WHO giống như một cú bồi thêm.

Giới chức Argentina giải thích cho quyết định là do có sự khác biệt sâu sắc với WHO trong quản lý y tế, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Nước này thậm chí cáo buộc các hướng dẫn của WHO khi đó đã khiến thế giới rơi vào đợt đóng cửa lớn nhất trong lịch sử mà lại không nhiều hiệu quả.

WHO là cơ quan Liên Hợp Quốc duy nhất được giao nhiệm vụ phối hợp toàn cầu để ứng phó các cuộc khủng hoảng y tế cấp tính, đặc biệt là đợt bùng phát của các bệnh mới và những mối đe dọa dai dẳng như Ebola, AIDS, đậu mùa…

Vai trò quan trọng của cơ quan này là không thể phủ nhận nhưng trong bối cảnh mới, WHO buộc phải cải cách để đáp ứng yêu cầu của các thành viên, dù điều này không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Để phòng dịch, học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học Trà Dơn phải đeo khẩu trang trong lớp học.

Tăng cường phòng bệnh cho học sinh

GD&TĐ - Ngành giáo dục các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đang phòng, chống và theo dõi sức khỏe trẻ em, học sinh, trước nguy cơ dịch sốt phát ban bùng phát.

Đức Đệ Tam Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ và nụ cười hoan hỉ. Ảnh tư liệu.

DANH TĂNG ĐẤT VIỆT: Giai thoại 'Cỗ Tết nhà chùa' của Pháp chủ Thiền gia

GD&TĐ - Những ngày giáp Tết Ất Tỵ 2025, trong quá trình tham gia loạt bài Danh tăng đất Việt, tôi đến chùa Đại Từ Ân, được Thượng toạ Thích Tiến Đạt - Phó Viện trưởng Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội kể về những năm tháng theo học Hoà thượng Thích Phổ Tuệ, với những hồi ức rất sâu sắc và xúc động.