Điểm nổi bật năm nay là cây khổ qua (mướp đắng) rất được ưa chuộng và tăng giá mạnh.
Cây cảnh khổ qua
Người dân ĐBSCL thường quan niệm ăn khổ qua cho "qua cái khổ" nên hầu như nhà nào cũng có nồi khổ qua hầm ngày Tết. Hiện khổ qua có giá từ 10 - 12 nghìn đồng/kg. Nhiều tiểu thương ở chợ Cần Thơ cho biết, trong những ngày tới, có thể giá khổ qua còn tăng lên từ 5-10%.
Thị trường cây cảnh tết năm nay, cây khổ qua cũng hút hàng. Anh Phan Văn Đông (Đồng Tháp) một nhà vườn có nhiều chậu cảnh làm từ cây khổ qua cho biết: Trong tất cả các loài hoa tết anh đang bán thì cây khổ qua đang được nhiều khách hàng quan tâm nhất.
“Tôi trồng khổ qua cảnh để trưng Tết từ khoảng 3 năm nay, nhưng năm nào cũng mới đến ngày 27, 28 Tết đã hết hàng. Năm nay do có tháng nhuận, thời tiết không thuận nên trồng được ít hơn. Mỗi chậu cảnh khổ qua có giá 200.000đ”- anh Đông cho biết.
Ăn khổ qua cho qua cái khổ
Chị Thu Hà, nhà ở Bình Thủy Cần Thơ cho biết người miền Nam Tết đến thường chuộng món ăn theo tên gọi hoặc hình ảnh gợi lên sự sung túc, ví dụ như trưng mâm trái cây thì phải là "cầu (cầu), dừa (vừa), đủ (đu đủ), xoài (xài)"; kho nồi thịt thì nhất định miếng thịt phải cắt thành từng miếng vuông lớn, kho chung với trứng vịt tròn để có được sự toàn vẹn; trái dưa hấu cắt ra phải đỏ ngon thì cả năm mới may mắn...
Tết đến dù mâm cỗ cúng ông bà đơn giản đến mấy cũng phải có tô canh khổ qua dồn thịt. Người miền Nam chọn trái khổ qua vì tên đúng của nó là cho cái khổ nó qua.
“Loại trái này chẳng phải quý hiếm, bất cứ bà nội trợ nào cũng có thể mua ăn quanh năm, nhưng Tết đến sẽ mang một ý nghĩa khác biệt. Có tô canh khổ qua trên mâm cỗ gia tiên tự nhiên thấy an tâm lạ, như thể mọi khổ nhọc rồi sẽ qua, bước sang năm mới là mọi việc sẽ khác”- Chị Hà nói.