Tên gọi các cấp học GD phổ thông phù hợp với quốc tế

GD&TĐ - Chính sách ưu tiên phát triển nhân tài trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) là một trong những nội dung mà Chính phủ đã có báo cáo giải trình tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Ngoài ra, Chính phủ cũng có giải trình về chính sách đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và về tên gọi các cấp học của giáo dục phổ thông.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Theo đó, đối với chính sách ưu tiên phát triển nhân tài, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đảm bảo nguyên tắc Nhà nước chăm lo cho giáo dục phổ thông đại trà; hỗ trợ học sinh yếu thế, có chính sách đào tạo bồi dưỡng nhân tài.

Điều 61 dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã bổ sung quy định theo hướng trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông dành cho những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu của các em về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao được thành lập nhằm phát triển tài năng của học sinh trong các lĩnh vực này. Đồng thời giao Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan quy định bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao ngoài chương trình giáo dục phổ thông, quy chế tổ chức và hoạt động cho trường chuyên, trường năng khiếu.

Về chính sách đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Ban soạn thảo đã có giải trình, cụ thể: Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã quy định vai trò và trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục tại Điều 17.

Theo đó cán bộ quản lý giáo dục giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động giáo dục; phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý và trách nhiệm cá nhân.

Nhà nước có kế hoạch xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nhằm phát huy vai trò và trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm phát triển sự nghiệp giáo dục.

Mặt khác, cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục cũng là nhà giáo, nên đồng thời cũng phải thực hiện các quy định về nhiệm vụ quyền hạn đối với nhà giáo. Ngoài ra, cán bộ quản lý giáo dục còn phải thực hiện các quy định có liên quan của Luật viên chức và Luật cán bộ, công chức.

Về tên gọi các cấp học của giáo dục phổ thông, theo nội dung giải trình của Ban soạn thảo, Luật Giáo dục năm 1998 được Quốc hội thông qua ngày 2/12/1998 đã quy định hệ thống giáo dục quốc dân gồm: giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo; giáo dục phổ thông có hai bậc học là bậc tiểu học và bậc trung học. Bậc trung học có hai cấp học là cấp THCS và cấp THPT (Điều 6).

Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp tiểu học, bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT... (Điều 7).

Luật Giáo dục năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo; giáo dục phổ thông có tiểu học, THCS, THPT… (Điều 4). Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT… (Điều 8).

Tên gọi các cấp học giáo dục phổ thông của các quy định nêu trên cũng phù hợp với tên gọi của các nước trong khu vực và quốc tế như: Thái Lan, giáo dục cơ bản gồm 6 năm tiểu học và 6 năm trung học (3 năm THCS và 3 năm THPT); Trung Quốc, giáo dục phổ thông bao gồm bậc tiểu học, bậc trung học cơ sở, bậc trung học phổ thông; Hàn Quốc gồm tiểu học, trung học; tại Anh, giáo dục phổ thông được chia thành: giáo dục tiểu học; giáo dục trung học.

Vì vậy, Ban soạn thảo đề nghị được giữ như quy định của Luật giáo dục hiện hành về tên gọi các cấp học của giáo dục phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành để khi cấp văn bằng đảm bảo tính hội nhập, phù hợp và thống nhất với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ