Sở GD&ĐT Tây Ninh đã có lộ trình sáp nhập một số trường THPT công lập trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng năm học 2019-2020 có 2 trường sáp nhập: giải thể trường THPT Lê Duẩn sáp nhập vào trường THPT Tân Châu (huyện Tân Châu); giải thể trường THPT Nguyễn An Ninh sáp nhập vào trường THPT Trần Phú (huyện Tân Biên)
Năm học 2020-2021 sẽ giải thể trường THPT Nguyễn Đình Chiểu sáp nhập vào trường THPT Dương Minh Châu (huyện Dương Minh Châu) và trường THPT Châu Thành giải thể, sáp nhập vào trường THPT Hoàng Văn Thụ (huyện Châu Thành).
Thực hiện xong lộ trình này, số trường THPT công lập của tỉnh Tây Ninh sẽ giảm từ 30 xuống còn 25 Trường. Các Trường bị giải thể, sáp nhập nói trên một thời là trường THPT bán công, quy mô tuyển sinh ngày càng teo tóp, cự ly nơi trường đóng với các trường THPT công lập được sáp nhập vào khá gần nhau.
Trong xu thế giảm biên chế toàn ngành GD&ĐT hiện nay, thì việc giải thể, sáp nhập là tất yếu, nhằm tinh gọn bộ máy, giảm chi phí ngân sách đầu tư, đồng thời góp phần sàng lọc, nâng cao chất lượng dạy học…
Theo con số chưa đầy đủ, dự kiến có khoảng 70 cán bộ quản lý GD, giáo viên, nhân viên của các trường nói trên sẽ nằm trong diện dôi dư. Cơ sở vật chất trường lớp của các trường bị giải thể, sáp nhập, sẽ thành cơ sở 2 của các trường mới được sáp nhập, hoặc giao cho địa phương sử dụng cho các Trường MN; TH, THCS…
Được biết năm 2017, UBND tỉnh Tây Ninh đã Quyết định công bố kết quả xếp hạng các cơ sở GD phổ thông công lập (các Trường trực thuộc Sở GD&ĐT Tây Ninh quản lý, trong đó có 5 Trường THPT bị giải thể nói trên xếp hạng 3).
Kết quả xếp hạng này là cơ sở để định mức biên chế viên chức ở các cơ sở GD phổ thông công lập và hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo Thông tư số 33/2005/TT-BGD&ĐT ngày 8/12/2005 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn tạm thời thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở GD công lập; Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23.8.2006 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở GD phổ thông công lập.