Tẩy chay “Thử thách Momo”

GD&TĐ - Trò chơi “Thử thách Momo” mới đây lại khiến phụ huynh giật mình lo lắng. Núp bóng những bộ phim hoạt hình nổi tiếng, hàng nghìn video chứa nội dung phản cảm đang “đầu độc” trẻ nhỏ trên YouTube. Không chỉ có những hình ảnh bạo lực phản cảm mà các video này còn hướng dẫn trẻ cách tự sát.

Những video này khiến trẻ sống trong sợ hãi
Những video này khiến trẻ sống trong sợ hãi

Những ám ảnh ghê sợ

Trò chơi bắt nguồn từ một tác phẩm điêu khắc có tên “Chim mẹ” của nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa. Tuy nhiên, những kẻ xấu đã sử dụng hình ảnh kinh dị này để làm ra các game hoạt hình thu hút người chơi.

Hình ảnh một người phụ nữ đầu người, mình gà với mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi sẽ hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân.

Nhân vật Momo lồng ghép trong các video hoạt hình với những câu nói ám ảnh: “Ngủ ngon nhé, người bạn nhỏ. Và hãy nhớ về tôi”. Tuy nhiên đi kèm theo lại là những hình ảnh bạo lực, chết chóc khiến nhiều người lớn cũng hoảng hồn.

Tại Anh một cô bé tên là Callie Astill, 7 tuổi, đã bịt tai la hét và bật khóc khi được hỏi về nhân vật đáng sợ Momo. Người mẹ trẻ cho biết trong thời gian dài, cô bé bị ám ảnh bởi gương mặt Momo, không thể ngủ yên hàng đêm và thường xuyên gặp ác mộng.

“Con bé kể với tôi là vẫn nhìn thấy khuôn mặt đó. Con bé sợ đến nỗi không dám đi vệ sinh một mình và thỉnh thoảng tự đập đầu vào tường”, mẹ cô bé chia sẻ.

Tại Việt Nam, những video hoạt hình này trên YouTube cũng khiến người lớn hoảng hốt khi biết con em mình cũng đang xem. Chị Ngọc Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự, các con chị đang độ tuổi tiểu học nên rất thích xem phim hoạt hình.

Để động viên khuyến khích các con, sau giờ học chị cho phép chúng được phép xem chương trình phim thiếu nhi. Yên tâm vì các con thường xem trên kênh YouTube Kids dành cho trẻ nhỏ, nên chị nghĩ cũng không mấy đáng ngại.

Tuy nhiên, cách đây khoảng một tháng trước chị chợt nghe con gái học lớp 1 hét ầm lên, chị nhìn vào màn hình thì không phải những bộ phim ngộ nghĩnh mà con vẫn xem.

Ẩn chứa dưới những nhân vật mà các con vẫn thích như Peppa Pig, Spider-Man, một phiên bản nhái với những hình ảnh mang tính chất bạo lực ghê sợ có kèm theo cả dao kéo, các nhân vật mặt mũi đầy máu me đang thực hiện những động tác đâm chém gây sát thương. Sau đó, chị vào mạng tìm hiểu và biết về nguồn gốc những video này.

Đáng sợ hơn, ngoài Momo, một số video “nhái” Peppa Pig và nhiều series hoạt hình còn ẩn chứa nội dung hướng dẫn trẻ tự làm đau mình như cắt tay, đánh người... thậm chí tự sát.

Theo chị Ngọc Hà, có những video ban đầu nội dung rất bình thường, nhưng chỉ sau vài phút là sự xuất hiện những gương mặt gớm ghiếc cùng lời thoại đầy đe dọa đáng sợ như: “Hãy cắt chân của cậu đi và cậu sẽ không bao giờ gặp tớ”, “Cắt cổ tay và bố mẹ bạn sẽ không bao giờ thấy tớ”…

Tẩy chay những trang mạng phản cảm

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Nghị định 56 về trẻ em hay luật về an ninh mạng đều quy định: Các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng đều phải có bộ lọc để phát hiện và tháo gỡ kịp thời những sản phẩm gây hại cho trẻ.

Song song với đó, các cơ quan chức năng quản lý trong lĩnh vực này cũng phải tích cực xử lý các đối tượng vi phạm.

Đối với vụ việc vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có yêu cầu Google và cơ quan phụ trách YouTube phải tháo gỡ những video bạo lực, phản cảm. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều khi các nhà quản lý mạng cung cấp dịch vụ cũng không sàng lọc hết được.

Các đối tượng xấu cắt những thước phim này ra thành những đoạn video nhỏ, ghép vào các chương trình cho trẻ em thì rất khó kiểm soát. Thế nên các doanh nghiệp phải không ngừng tạo ra những bộ công cụ bộ lọc và phần mềm để sàng lọc tốt hơn và hiệu quả những video tiêu cực đó.

Chính nhà điêu khắc Keisuke Aisawa, người tạo ra nhân vật kinh dị Momo đã phá hủy tác phẩm của mình với lời chia sẻ: Tôi đau lòng vì sáng tạo của mình lại gây tiêu cực cho trẻ em. Nó đã mục nát rồi nên tôi vứt nó đi. Mọi người, những đứa trẻ giờ có thể yên tâm bởi Momo đã chết và lời nguyền sẽ biến mất. 

“Trò chơi Momo ảnh hưởng tiêu cực tới các cháu nhỏ. Nhiều video mang tới những cảm giác hoang mang sợ hãi, thậm chí dẫn tới hành vi hủy hoại bản thân, tự sát, vì vậy cha mẹ phải quản lý con cái một cách chặt chẽ về thời gian, cũng như những gì con xem trên các thiết bị điện tử, điện thoại thông minh.

Phụ huynh cũng nên tìm hiểu, biết cách sàng lọc lựa chọn những nội dung có hại để con không tiếp xúc, không bị ảnh hưởng. Cùng với đó, cộng đồng mạng phải chung tiếng nói để phản đối, tẩy chay những trang mạng không đưa ra những biện pháp sàng lọc nhằm loại bỏ những video xấu ảnh hưởng tới người xem, người chơi.

Với các doanh nghiệp kinh doanh trên môi trường mạng cho người xem sử dụng miễn phí, điều tồn tại với họ là số lượng người tham gia truy cập, vì thế cần có những đợt vận động giúp người dân hiểu và tẩy chay những trang mạng này.

Ở nhiều nước phát triển như ở Anh, Mỹ… phụ huynh sẵn sàng kêu gọi đồng lòng tẩy chay, không sử dụng những trang mạng đó. Khi không có số lượng người vào truy cập trong một thời gian dài, các trang mạng đó sẽ phải thay đổi để đưa ra những hình thức hoạt động mới tích cực an toàn hơn”, ông Đặng Hoa Nam cảnh báo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch 2 của Ukraine

Kế hoạch 2 của Ukraine

GD&TĐ - Thế cuộc đã thay đổi, Kiev giờ đây đã bớt hi vọng về chiến thắng trước Nga và đã vạch ra một kế hoạch mới gồm 10 điểm, mang tính ổn định, lâu dài.