(GD&TD)-Ngày 15/9, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã tổ chức phiên họp chuyên đề cho ý kiến về các Dự án luật.
Nhiều ý kiến đề nghị quy định làm thêm không quá 4 giờ/tuần, tức không quá 20 giờ/tháng (ảnh MH) |
Trong đó, các Dự án Luật được thảo luận, cho ý kiến gồm: Luật Lao động (sửa đổi), Dự án Luật giá, Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi, Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính, Dự án Luật Quảng cáo, Dự án Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Dự án Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng chống rửa tiền.
Về Dự án Luật Lao động (sửa đổi), nội dung được thảo luận nhiều nhất là tổ chức công đoàn, tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm và thỏa ước lao động tập thể.
Các sửa đổi, bổ sung đối với tổ chức công đoàn - đại diện tập thể lao động là việc xác định chủ thể đại diện của người lao động tại doanh nghiệp; nhiệm vụ, thủ tục bầu ban đại diện tập thể lao động, cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở.
Về giờ làm thêm, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về thời gian làm thêm, tối đa là 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ/năm. Một số ý kiến cho rằng, tăng thời gian tối đa của người lao động để tạo điều kiện cho chủ sử dụng lao động hoàn thành các công việc mang tính thời vụ, đột xuất hay thực hiện các công việc gấp theo chu kỳ sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện tăng thu nhập cho người lao động và góp phần tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế.
Về tuổi nghỉ hưu, một số ý kiến thành viên Chính phủ cho rằng, tuổi đời hưởng lương hưu đối với người lao động nên giữ nguyên như hiện nay, tức là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. Ý kiến khác đề nghị, cần nâng cao tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ công chức, đặc biệt là nữ giới để đảm bảo bình đẳng giới và giảm áp lực với quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận Dự án Luật Lao động (sửa đổi), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ. Trên cơ sở đó, điều chỉnh, bổ sung những quy định phù hợp cao với tình hình thực tiễn, nhất là điều kiện làm việc, thu nhập, quyền làm chủ của người lao động.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Nội dung sửa đổi Bộ Luật Lao động lần này nhiều, nhưng cần tập trung vào nội dung nào bức thiết”.
Thảo luận về Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau về đảm bảo thống nhất, đồng bộ của hệ thống các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính; vấn đề Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính; vấn đề tham gia của luật sư, trợ giúp viên pháp lý, đại diện hợp pháp của đối tượng vi phạm đối với một số vi phạm hành chính trước khi ra quyết định xử phạt; vấn đề xác định cơ quan có trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Tư Pháp tiếp thu các ý kiến thảo luận và sớm hoàn chỉnh Dự án Luật này; đồng thời nhấn mạnh Dự án Luật phải được xây dựng theo quan điểm phạt là để giáo dục, dể răn đe chứ không phải phạt là để cho tồn tại.
Trên thực tế hiện nay, ở nhiều lĩnh vực, việc áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay là không đủ sức răn đe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý.
Chiều nay, các thành viên của Chính phủ tiếp tục cho ý kiến về Dự án Luật Giáo dục đại học và các Dự án luật còn lại.
Toàn cảnh phiên họp chiều nay (15/9) |
Về Dự thảo Luật Giáo dục đại học, các thành viên Chính phủ đã thảo luận cho ý kiến đối với một số nội dung còn có ý kiến khác nhau về Hội đồng trường; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học; mô hình của Đại học quốc gia…
Nhiều ý kiến cho rằng không nên quy định Hội đồng trường nhằm tránh sự trùng lặp, tránh sự phân định rõ ràng phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền và mối quan hệ giữa “Đảng ủy – Ban Giám hiệu – Hội đồng trường”; đồng thời cũng không cần thiết đưa quy định về vị trí, vai trò và mô hình của Đại học quốc gia trong dự thảo Luật.
Với 5 chương và 42 điều quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cán nhân tham gia quảng cáo; hoạt động quảng cáo; xử lý vi phạm trong quảng cáo; quản lý quảng cáo có yếu tố nước ngoài… các thành viên Chính phủ cho rằng, việc xây dựng Dự thảo Luật Quảng cáo là hết sức cần thiết bởi hiện nay hệ thống pháp luật về quảng cáo đang có những bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện của hoạt động quảng cáo.
Hiện, Pháp lệnh Quảng cáo là văn bản quy định tương đối toàn diện về hoạt động quảng cáo, tuy nhiên do sự phát triển của hoạt động quảng cáo nên cũng đã có nhiều nội dung chưa được điều chỉnh hoặc không phù hợp với thực tiễn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và một số thành viên Chính phủ đề xuất, Dự thảo Luật cần làm rõ hơn, chặt chẽ hơn các nội dung về hành vi cấm quảng cáo; xử lý vi phạm quảng cáo; vấn đề đảm bảo tính trung thực đối với hoạt động quảng cáo hàng hóa thương mại; có quy định cụ thể về thời lượng quảng trên các phương tiện thông tin truyền thông…
Về Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), một số ý kiến đề nghị nên tiếp tục xem xét, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, theo đó nên đưa nước khoáng, nước nóng vào phạm vi điều chỉnh của Luật này. Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ hơn về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện Dự thảo Luật này theo đúng tiến độ.
Đối với Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, hầu hết các thành viên Chính phủ đều nhất trí với tên gọi, bố cục cũng như các điều trong Dự thảo Luật.
Nhiều ý kiến đồng ý với tỷ lệ in 50% hình ảnh và chữ cảnh báo về tác hại của thuốc lá trên bao bì thuốc lá như Dự thảo Luật; song cũng có ý kiến cho rằng nên in với tỷ lệ % cao hơn để tăng cường tính cảnh báo về tác hại của thuốc lá.
Tuy nhiên, cũng có có ý kiến thành viên Chính phủ cho rằng, Dự thảo Luật có có cả 1 chương về các biện pháp kiểm soát nguồn cung thuốc lá, từ đó đề xuất nên đổi tên Dự thảo Luật này thành Dự thảo Luật Kiểm soát thuốc lá và Phòng chống tác hại của thuốc lá.
Chí Cường