Tập trung phát triển nhân lực số

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, để hiện thực hóa các thủ tục phát triển chuyển đổi số, cũng như chuyển đổi cơ chế,

Hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số. Ảnh minh họa
Hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số. Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, để hiện thực hóa các thủ tục phát triển chuyển đổi số, cũng như chuyển đổi cơ chế, Bộ sẽ tập trung cao cho việc phát triển nguồn nhân lực.

Nòng cốt từ hệ thống giáo dục

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó, về phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, chú trọng đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao…

Ông Đào Ngọc Dung chia sẻ, để hiện thực hóa các thủ tục phát triển chuyển đổi số, cũng như chuyển đổi cơ chế, Bộ sẽ tập trung cao cho việc phát triển nguồn nhân lực.

Đối với lực lượng lao động trong nước, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển thị trường lao động linh hoạt, bền vững và hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, Bộ sẽ ban hành những chuyên đề đột phá chuyên về khoa học công nghệ, gắn với thực tiễn đời sống.

Về đào tạo nhân lực cao, đặc biệt về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nòng cốt là lấy nguồn nhân lực từ hệ thống giáo dục, các trường đại học, đào tạo nghề chất lượng cao để thực thi.

Đối với lực lượng lao động nước ngoài ở Việt Nam, 3 đối tượng cần quan tâm là chuyên gia, quản lý và người lao động trình độ cao, ông Dung nhấn mạnh, Bộ xác định đây là lực lượng rất quan trọng. Chủ trương của Chính phủ là luôn trân quý và sử dụng có hiệu quả lực lượng này, vừa phục vụ yêu cầu trong nước, vừa tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ luôn lắng nghe các ý kiến góp ý, và sẽ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung và sửa Nghị định 152 vào cuối quý III/2023 theo hướng bảo đảm tiêu chuẩn, xác định rõ 3 đối tượng chuyên gia, quản lý và người lao động trình độ cao theo hướng cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi hơn.

Ông cũng thông tin cụ thể thêm, về trình độ, thủ tục, hồ sơ, phấn đấu đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, thời gian, phân cấp ngắn nhất để tạo điều kiện nhanh nhất có thể cho những người lao động nước ngoài. Trong quý II, sẽ lấy ý kiến đề xuất cụ thể của các hiệp hội, các doanh nghiệp, các đơn vị… từ đó đưa ra những phương án, giải pháp khả thi, thiết thực và thuận lợi.

Lãnh đạo Bộ LĐ,TB&XH lưu ý, trong 3 đối tượng chuyên gia, quản lý và người lao động trình độ cao thì chuyên gia, quản lý sẽ được ưu tiên hàng đầu.

Đối với những trường hợp trước đây đã được cấp phép, nay chuyển sang đối tượng khác, chẳng hạn, được cấp phép 5 năm, nhưng nay chuyển sang là chuyên gia, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì vẫn có thể xem xét trên tinh thần tạo điều kiện.

Khẳng định coi trọng nhân lực số

Trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án là sự khẳng định của Chính phủ về việc coi trọng nhân lực số trong giai đoạn tới, có mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Nhiều chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, phát triển nguồn nhân lực số hiện nay còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là những đòi hỏi của thị trường lao động thời kỳ hội nhập. Về số lượng, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng số lao động của Việt Nam ước đạt gần 1%, thấp hơn một số quốc gia mạnh về công nghệ thông tin như: Hoa Kỳ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%).

Về số lượng, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng số lao động của Việt Nam ước đạt gần 1%. Về chất lượng, chỉ có khoảng 30% kỹ sư, cử nhân mới ra trường đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc.

Cũng theo các chuyên gia công nghệ, để phát triển nguồn nhân lực số, cần có giải pháp đột phá. Chẳng hạn như tận dụng hiệu quả sự hỗ trợ của công nghệ số vào công tác đào tạo, thúc đẩy phát triển mô hình giáo dục đại học số. Việc thiếu hụt nhân lực trong quá trình chuyển đổi số cho thấy chính sách phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng cao cần được xem là ưu tiên hàng đầu.

Song song với đó, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số cần quy mô nguồn nhân lực lớn về mặt số lượng, còn về mặt chất lượng cần đảm bảo đội ngũ nhân sự có mức độ chuyên môn cao và đa dạng kinh nghiệm chuyển đổi số cho các ngành công nghiệp dịch vụ khác nhau…

Người dân, doanh nghiệp cùng vào cuộc

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT từng đưa ra đánh giá rằng, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực số là yếu tố then chốt trong việc xây dựng lực lượng nòng cốt, hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số trên toàn quốc để dẫn dắt, tổ chức, lan tỏa tiến trình chuyển đổi số góp phần bảo đảm công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách nhanh, hiệu quả, bền vững và thành công.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, để nhân lực số của Việt Nam lớn mạnh, phát triển cần sự chung tay của người dân và sự tham gia vào cuộc của các doanh nghiệp, đồng thời chuyển đổi nhận thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Thêm nữa, cần xây dựng mạng lưới chuyển đổi số từ Trung ương đến cấp xã, với đội ngũ nhân lực được tổ chức bài bản, đồng bộ, thường xuyên. Cùng với đó là đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số, kỹ năng số để trực tiếp triển khai công tác chuyển đổi số đến từng cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ