Tập huấn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022

GD&TĐ - Ngày 21/4, tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ dự và chủ trì Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có lãnh đạo Cục A03, Bộ Công an; lãnh đạo ngành Giáo dục của 63 tỉnh, thành phố và đại diện các ban ngành liên quan.

Quy chế thi ổn định

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận cố gắng của các địa phương trong việc ưu tiên học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình về đích đúng kế hoạch để có thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vào ngày 7-8/7 tới.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Kỳ thi diễn ra thường xuyên hàng năm nhưng mỗi năm sẽ có những đổi mới về kỹ thuật khắc phục những tồn tại ở những kỳ thi trước để thực hiện ngày một tốt hơn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học; lấy kết quả đó để công nhận tốt nghiệp; làm cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ sở quản lý giáo dục.

Đặc biệt, từ kết quả của Kỳ thi này mà nhiều trường đại học đã lấy làm căn cứ xét đầu vào cao đẳng, đại học. Vì thế sự cạnh tranh của các thí sinh rất lớn. Điều này đòi hỏi các cơ quan, ban ngành cùng vào cuộc thể hiện trách nhiệm giám sát cộng đồng để đảm bảo Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng nhấn mạnh 4 yếu tố quan trọng đảm bảo tốt cho Kỳ thi: nắm chắc quy chế; chuẩn bị kỹ điều kiện CSVC, đội ngũ, các phương án đảm bảo an toàn cho thí sinh, cán bộ thực hiện nhiệm vụ của Kỳ thi; kiểm soát tốt tình hình, dự báo rủi ro, có phương án dự phòng, nếu có vấn đề cần báo cáo kịp thời; giải quyết tốt các tình huống.

Tại Hội nghị ông Phạm Quốc Khánh- Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT trình bày Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2022. 

Về cơ bản, Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ổn định như năm trước. Kỳ thi năm nay vẫn giữ các nguyên tắc cơ bản: đảm bảo quyền thí sinh, phân cấp cho các địa phương; trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân; quy trình, tiến độ, kết quả thực hiện các khâu; ứng dụng công nghệ thông tin.

Đại biểu các Bộ ngành liên quan và đại điện lãnh đạo Sở GD&ĐT 63 tỉnh, thành tham dự Hội nghị
Đại biểu các Bộ ngành liên quan và đại điện lãnh đạo Sở GD&ĐT 63 tỉnh, thành tham dự Hội nghị

Bài thi năm nay được giữ ổn định như Kỳ thi năm 2021. Trong đó có 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần: Vật lý, Hoá học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn thi thành phần: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT.

Nội dung bài thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận.

Bài thi Ngữ văn thời gian làm bài là 120 phút; bài thi Toán là 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với mỗi bài thi thành phần tổ hợp liên môn.

Ngày 31/3, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi minh họa đối với 15 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Cấu trúc đề thi năm nay cơ bản ổn định như năm 2021.

Điểm mới thuận lợi cho thí sinh

Theo ông Phạm Quốc Khánh, Kỳ thi năm nay có một số điểm mới. Có điều chỉnh thuận lợi hơn cho thí sinh là hình thức đăng ký dự thi trực tuyến. Về điểm này, ông Khánh thông tin: Bộ GD&ĐT đã thực hiện thí điểm đăng ký thi trực tuyến tại 2 trường THPT vùng khó khăn của tỉnh Bắc Giang và Hoà Bình. Kết quả ban đầu các em học sinh dễ dàng thực hiện.

Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT trình bày Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT trình bày Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2022. 

Đăng ký dự thi trực tuyến với thí sinh lớp 12 qua tài khoản là số Căn cước công dân/CMND hoặc mã định danh. Các thí sinh thuộc diện khác sẽ đăng ký trực tiếp tại điểm thi do sở GD&ĐT bố trí.

Phiếu đăng ký dự thi không bao gồm đăng ký xét tuyển đại học và cao đẳng. Do khi có kết quả thi tốt nghiệp, thí sinh mới đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, phần cuối phiếu đăng ký dự thi sẽ có mục tích lựa chọn có hay không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.

Thời gian đăng ký dự thi từ 4/5-13/5/2022. Kỳ thi chính thức diễn ra trong 2 ngày: 7-8/7; ngày 9/7  là ngày thi dự phòng; khung giờ thi được giữ ổn định.

Thời gian công bố kết thúc thi sớm hơn 2 ngày so với năm trước, dự kiến sẽ là 24/7/2022.

Lãnh đạo Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh một số điểm về việc bố trí nhân lực phục vụ thi; công tác vận chuyển để thi; coi thi; chấm thi; phúc khảo, chấm thẩm định…

Theo đó, năm nay nhân viên phục vụ thi tại các điểm thi có thể là nhân lực tại chỗ do điểm thi tại trường, nơi đặt điểm thi bố trí hoặc nhân viên tại các cơ sở giáo dục khác do Sở GD&ĐT điều động; Sau khi thực hiện phân công cán bộ coi thi, cán bộ coi thi thứ 2 sẽ bốc thăm cách đánh số báo danh; các thiết bị của thí sinh không được phép mang vào phòng thi sẽ được lưu giữ và để cách phòng thi 25 mét để đảm bảo ngắt các kết nối.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Cục A03, Bộ Công an thông tin tình hình, kế quả công tác phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn Kỳ thi năm 2021 và giải pháp nâng cao hiệu quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Các nội dung về công tác tuyển sinh, xét tuyển Đại học, Cao đẳng được lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT thông tin cụ thể.

Đại biểu tham dự Hội nghị đến từ các Sở GD&ĐT của 63 tỉnh, thành sẽ được tập huấn về hệ thống phần mềm quản lý và đăng ký thi trực tuyến cho thí sinh là học sinh lớp 12 THPT năm 2021-2022.

Đại biểu Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi làm rõ những thông tin xung quanh quy chế của Kỳ thi
Đại biểu Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi làm rõ những thông tin xung quanh quy chế của Kỳ thi

Giải đáp nhiều băn khoăn

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo một số Sở GD&ĐT đặt các câu hỏi, nêu băn khoăn thắc mắc về một số vấn đề như: phương án tổ chức thi cho các thí sinh F0; quy cách mẫu giấy thi; kiểm tra các thiết bị in sao đề thi; phương án bảo quản các thiết bị không được phép mang vào phòng thi trong trường hợp không bố trí được điểm lưu giữ thiết bị cách phòng thi 25 mét như quy chế đưa ra....

Đại biểu đại diện Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho rằng, khi được nghe quy chế và nghiên cứu hướng dẫn của Bộ GD&ĐT thì Kỳ thi năm nay cơ bản không có thay đổi so với năm trước. Các điểm mới đã được hướng dẫn kỹ, với việc triển khai các điều kiện kỳ thi thuận lợi.

Tuy nhiên, vị đại diện Sở GD&ĐT TP Hà Nội bày tỏ mong muốn, Bộ GD&ĐT hướng dẫn rõ quy cách mẫu giấy phiếu trả lời trắc nghiệm, kích thước, để địa phương căn cứ vào đó lập kế hoạch dự toán, thậm chí đưa thông tin đấu thầu văn phòng phẩm, thuận lợi cho việc quyết toán.

TP Hà Nội cũng sẽ có nhiều thí sinh F0 dự thi nên Bộ GD&ĐT sớm làm việc với Bộ, ngành liên quan để có hướng dẫn cơ sở để chủ động thực hiện.

Nếu có thể được từ sang năm Bộ có Hội nghị tập huấn sớm hơn để các địa phương tập huấn cho cơ sở sớm, thuận lợi.

Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam thể hiện băn khoăn về ảnh hưởng của thiết bị phá sóng với cán bộ, thí sinh tham dự kì thi.

Ông Lê Hoài Nam- Phó Giám Đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc đăng ký dự thi trực tuyến sẽ không tránh khỏi sai sót, vì thế nên chăng có thể thêm thời gian đăng ký dự thi để các em điều chỉnh sai sót. Bộ có phương án kịp thời hoặc hướng dẫn địa phương cử cán bộ hỗ trợ.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, những ý kiến của lãnh đạo các địa phương rất sát với điều kiện thực tiễn. Tuy nhiên, trước khi tổ chức tập huấn Kỳ thi lãnh đạo Bộ phải đợi tập hợp ý kiến các địa phương, sau đó báo cáo và xin ý kiến Chính phủ. Sau khi được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ GD&ĐT mới tổ chức tập huấn về công tác thi cho các địa phương.

Với các thí sinh F0 theo quy chế thi thì được miễn thi tốt nghiệp, tuy nhiên những thí sinh F0 có nguyện vọng thi, dùng kết quả thi tốt nghiệp để đăng ký xét tuyển cao đẳng, đại học thì sau khi 2 cơ quan chuyên môn của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế làm việc, thống nhất sẽ báo cáo, xin ý kiến của Chính phủ và có thông báo, kế hoạch rõ ràng.

Lãnh đạo Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho rằng:  Quy cách mẫu giấy làm bài thi tự luận, trắc nghiệm nên đảm bảo thống nhất chung. Các cơ sở chủ động in giấy thi đảm bảo mẫu đã thực hiện ở nhiều cấp học trong năm. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT nghiên cứu và cần thiết sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Việc đăng ký dự thi trực tuyến trên phần mềm đã được thực hiện thí điểm ở 2 trường học tại 2 địa phương có điều kiện khó khăn, về cơ bản thuận lợi do phần mềm thông minh, dựa trên các thông tin dữ liệu ngành đã có khi các em thao tác đã có đầy đủ thông tin. 

Tại Hội nghị, đại diện Bộ Công an giải thích cụ thể về các thiết bị in sao đề thi, việc kiểm tra các thiết bị cũng như hướng dẫn sử dụng các thiết bị đảm bảo an toàn cho Kỳ thi. Đại diện lãnh đạo Bộ Công an cho rằng, sẽ chỉ đạo PA06 các tỉnh, thành phối hợp kiểm tra rà soát các thiết bị đảm bảo thuận lợi cho các địa phương, tránh việc phải mang các thiết bị quá nặng về tận Hà Nội để kiểm tra như ý kiến của một số đơn vị. Các thiết bị phá sóng điện thoại hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khoẻ của thí sinh và cán bộ tham gia Kỳ thi, vì thế các địa phương hoàn toàn yên tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.