Trong 2 ngày, 28 và 29/5, các đại biểu nghe báo cáo và thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về một số nội dung như giới thiệu chính sách của Bộ GD&ĐT về trường học an toàn, phòng chống thiên tai; tầm quan trọng trong thực hiện trường học an toàn phòng chống thiên tai; ba trụ cột của trường học an toàn phòng chống thiên tai; các bước thực hiện trường học an toàn phòng chống thiên tai; các công cụ đánh giá trường học an toàn phòng chống thiên tai…
Tình hình thiên tai diễn ra bất thường ở Việt Nam không chỉ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho các công trình, tài sản gia đình và cộng đồng mà còn gây ra nhiều thiệt hại về con người, làm gián đoạn các mặt của đời sống xã hội như giao thông, mùa màng và sản xuất lao động…
Các hoạt động giáo dục cũng bị ảnh hưởng ít nhiều như trường học bị hư hại, đường đến trường bị ngập, đồ dùng dạy học và sách vở bị cuốn trôi, khiến cho việc dạy học bị gián đoạn. Ngoài ra, nguy cơ một số HS bỏ học sau thiên tai cũng là một thách thức đối với các nỗ lực duy trì chất lượng giáo dục…
Bộ GD&ĐT đã biên soạn Khung trường học an toan phòng, chống thiên tai và hướng dẫn thực hiện, đánh giá với sự phối hợp và hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Tổ chức Plan International Việt Nam. Đây là tài liệu nhằm hệ thống hóa các nhiệm vụ thực hiện trường học an toàn, phòng, chống thiên tai, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý và tổ chức thực hiện.
Với Khung trường học an toàn phòng, chống thiên tai và hướng dẫn thực hiện, đánh giá, các trường học sẽ có được những chỉ dẫn chi tiết về các bước thực hiện trường học an toàn, xác định được các nhiệm vụ cụ thể của nhà trường, cách thức đánh giá năng lực và tình trạng dễ bị tổn thương của trường học, cách lập kế hoạch phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thực hiện và đánh giá các hoạt động này.