Tập dưỡng sinh theo phương pháp "Dịch cân kinh" giúp tăng sức khỏe thần tốc

Vẫy tay hay vung tay để phòng và chữa bệnh là một trong những biện pháp phòng chống bệnh tật không dùng thuốc của y học phương Đông, có lịch sử khá lâu đời. Theo đó, mỗi ngày vẫy tay khoảng 1.800 lần vào ba buổi sáng, trưa, chiều một cách đều đặn thì có thể phòng bệnh và tăng cường sức khỏe.

Tập dưỡng sinh theo phương pháp "Dịch cân kinh" giúp tăng sức khỏe thần tốc

Nếu kiên trì làm 3.000 đến 6.000 lần một ngày thì có thể chữa được một số bệnh như cao huyết áp, suy nhược thần kinh, hen suyễn… Phương pháp này hiện đang được rất nhiều người cao tuổi ở nước ta sử dụng như một cách để rèn luyện sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh.

Ông Nguyễn Văn Kích tập vẩy tay
Ông Nguyễn Văn Kích tập vẩy tay

Chiến thắng bệnh tật nhờ kiên trì luyện tập

Dạo quanh khu vực hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm vào mỗi sáng sớm, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những người trẻ, cụ già đang thong thả đưa những cánh tay vẫy vẫy lên, xuống. Bài tập này có tên gọi đơn giản là “vẫy tay chữa bệnh”. 

Theo quan niệm lão khoa ngày nay, đối với người cao tuổi, cường độ tập luyện quá lớn sẽ làm tăng nhanh quá trình ôxy hóa, sinh ra nhiều gốc ôxy tự do, dễ làm tổn thương một số cơ quan trong cơ thể. Bài thể dục vẫy tay là một loại thể dục nhẹ nhàng, dùng tay là chính, rất phù hợp với người trung và cao niên. Ưu điểm của bài thể dục vẫy tay này là người tập ít bị chấn thương, có thể thực hiện ở bất cứ không gian nào. Hiệu quả mà nó đem lại không thua kém gì so với nhiều môn thể dục khác dành cho người già. Vì vậy, phương pháp này đang được áp dụng phổ biến trên thế giới.

Có người cho rằng, phương pháp tập thể dục vẫy tay là một trong 72 phép của Dịch cân kinh thuộc phái Thiếu Lâm. Theo cổ nhân, vẫy tay có tác dụng nâng cao công năng hoạt động của các tạng phủ, hành khí hoạt huyết, khơi thông kinh mạch, từ đó mà nâng cao sức đề kháng giúp cơ thể tăng cường khả năng phòng chống bệnh tật. Trên thực tế, ở Trùng Khánh (Trung Quốc), phương pháp này đã được Lưu Dũng chỉnh lý và sử dụng chữa trị hiệu quả một số bệnh lý như cao huyết áp, hen suyễn, suy nhược thần kinh, đau nhức xương khớp... Nhiều năm nay, ở nước ta, vẫy tay đã được nhiều nơi, nhiều người áp dụng và cho thấy những hiệu quả nhất định. Nhiều tác giả chuyên nghiên cứu về khí công dưỡng sinh cũng cho rằng, hiệu quả ngăn ngừa và chữa trị tật bệnh của phương pháp vẫy tay là có thực.

Cho đến nay mặc dù chưa có công trình nghiên cứu khoa học bài bản và nghiêm túc nào được tiến hành ở trong nước chứng minh rõ ràng về tác dụng của bài tập thể dục vẫy tay, nhưng khi áp dụng bài tập thể dục này, có rất nhiều người đã thừa nhận về tác dụng tuyệt vời mà nó mang lại. Là một người đã kiên trì sử dụng phương pháp tập thể dục vẫy tay để chữa bệnh gần 10 năm nay, ông Nguyễn Văn Kích (63 tuổi, số nhà 37, ngõ 74, tổ 12 Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) không những “sống khỏe” với một số bệnh như gút, sỏi thận...mà sức khỏe cũng ngày càng được cải thiện. Hiện nay, ông vẫn thường xuyên luyện tập theo phương pháp này.

Ông Kích cho biết: “Năm 2006 tôi đi khám thì được biết thận của mình kém. Cũng trong năm đó, tôi bắt đầu có những biểu hiện không tốt về sức khỏe như mắt kém dần, lưng đau mỏi và có dấu hiệu của bệnh gút. Những năm sau đó, tôi đã sang Trung Quốc để chữa bệnh. Cũng tại đây tôi được tiếp xúc với phương pháp tập vẫy tay để chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe”. Theo đó, mỗi ngày ông Kích dành ra 1 tiếng buổi sáng và 1 tiếng buổi chiều để tập thể dục. Ông sử dụng 15 phút buổi sáng và 15 phút buổi chiều để tập vẫy tay. Mỗi buổi tập 900 cái. Bên cạnh phương pháp vẫy tay Dịch Cân Kinh, ông còn kết hợp vơi nhiều phương pháp khác như đi bộ, đu xà...Suốt 10 năm kiên trì tập phương pháp này, ông Kích bắt đầu cảm thấy ăn ngon, ngủ tốt. Đặc biệt là khi kết hợp với các bài thuốc dân gian khác, những căn bệnh trước đây của ông bắt đầu được đẩy lùi.

Vẫy tay thế nào cho đúng

Th.S Hoàng Khánh Toàn
Th.S Hoàng Khánh Toàn

Ở nước ta, vẫy tay đã được nhiều người ở nhiều nơi áp dụng và đều cho thấy những hiệu quả nhất định. Nhiều tác giả chuyên nghiên cứu về khí công dưỡng sinh cũng cho rằng, hiệu quả ngăn ngừa và chữa trị bệnh tật của phương pháp vẫy tay là có thực. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học bài bản và nghiêm túc nào được tiến hành ở trong nước chứng minh rõ ràng điều này. Tài liệu và các cơ sở hướng dẫn tập luyện phương pháp vẫy tay chủ yếu dựa vào một tài liệu được photo thành nhiều bản rồi truyền tay nhau. Tuy nhiên phương pháp này cũng có những quy tắc nhất định. Trước tiên nói về tư tưởng, hầu hết những người tập vẫy tay đều cho rằng phải có hào khí. Tức là phải có quyết tâm tập cho đến nơi đến chốn và đều đặn, phải tin tưởng và không nghe lời bàn ra tán vào mà chán nản bỏ dở.

Phương pháp tập như sau: hai chân đứng thẳng với khoảng cách rộng bằng hai vai, toàn thân thả lỏng, hai vai và hai cánh tay buông tự nhiên, lòng bàn tay hướng vào trong, mắt nhìn thẳng về phía trước, thở đều và êm, tinh thần thư giãn thoải mái. Sau khi thả lỏng toàn thân trong trạng thái trên chừng 1-2 phút, hai tay bắt đầu vung về phía trước sao cho tạo với cơ thể một góc 45 độ (lấy ngón tay cái không vượt quá ngang rốn làm giới hạn). Khi làm ngược lại, lấy mép ngoài của ngón út không vượt quá mông làm giới hạn. Cứ làm đi làm lại như vậy nhiều lần. Phải tùy thuộc thể lực, tuổi tác, tình trạng sức khỏe để quyết định số lần và tốc độ vẫy tay. Con số 1.800 hay 3.000, 6.000 cái vẫy tay không có ý nghĩa quyết định hiệu quả của phương pháp. Nguyên tắc là phải tiến hành từ ít đến nhiều, từ chậm đến nhanh, miễn sao sau mỗi lần tập cơ thể cảm thấy khỏe mạnh, thoải mái là được. Tuyệt nhiên không được làm quá sức.

Bên cạnh đó, cần chú ý khi vẫy tay phải thả lỏng toàn thân. Đặc biệt vai, cánh tay phải phối hợp hài hòa với hoạt động mềm mại của lưng và chân, tuyệt đối không được căng cứng. Hơn nữa cần hít thở tự nhiên, ban đầu là thở bình thường sau đó chuyển sang thở bằng bụng là chủ yếu. Khi nước bọt tiết ra nhiều thì nuốt vào trong, không nhổ ra bên ngoài. Tuyệt đối không tập khi cảm thấy nóng ruột, cáu giận, quá no hoặc quá đói. Sau khi tập phải giữ nguyên tư thế, đứng yên từ 1-2 phút rồi vận động nhẹ nhàng. Khi mới bắt đầu tập, nên khởi sự đánh tay 200 cái cho mỗi lần tập. Nếu muốn nhanh có kết quả thì mỗi ngày tập hai lần vào buổi sáng và chiều. Nhiều người quyết tâm kiên trì chữa bệnh thì tập mỗi ngày ba lần (sáng, trưa và chiều). Điều thú vị của phương pháp vẫy tay này là người tập có thể tập ở ngoài sân hay ở trong nhà đều được, miễn là ở nơi thoáng khí và yên tĩnh.

Tuy nhiên đã có không ít người do tư tưởng nóng vội, khi luyện tập phương pháp vẫy tay đã dùng quá sức mình. Một trong những nguyên tắc của phương pháp này chính là khi thấy mệt là nghỉ ngay. Chia sẻ kinh nghiệm luyện tập, ông Kích cho hay: “Mình tập được nhiều hay ít là do mình có thể đứng tấn được bao lâu, chứ không phải ai muốn tập bao nhiêu lần cũng được. Hồi tôi mới tập, một thời gian ngắn sau là tôi đã lên tới 900 cái đánh tay cho mỗi lần tập (trong 15 phút), mỗi ngày 2 lần. Sau khi tập xong, ta thấy khát nước (thì nên uống nước ngay), đó là tập vừa sức. Sau khi tập, tôi thường đi chậm bằng cách giơ chân lên cao, vừa co giãn hai cánh tay. Có người mới khởi sự đã tập trên 1000 cái thì mặt bị nổi mụn ngay. Nếu tập đúng cách, không những không có phản ứng gì mà cơ thể ngày càng thấy khỏe ra”.

Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho rằng, phương pháp vẫy tay này chỉ là một động tác nhỏ của Dịch cân kinh nhưng tác dụng phòng bệnh của nó là có thật. Dịch cân kinh chỉ cho ta phương pháp đào luyện gân cốt và ý chí chuyển yếu thành mạnh, là phương pháp kết hợp nguyên tắc thiền và động tác (động và tĩnh), giữa cương và nhu, thần và khí (tâm và hơi thở), giữa khí và lực (hơi thở và sức mạnh). Tác động này thúc đẩy khí huyết lưu thông, kinh mạch điều hòa, các tạng phủ trong cơ thể được nuôi dưỡng đầy đủ, giúp loại trừ các loại cặn bã, các chất độc hại, đưa các chất bổ dưỡng đến tạng phủ, giúp cơ thể khỏe mạnh. Tạng phủ được nuôi dưỡng tốt còn giúp máu về tim nhiều hơn, trao đổi máu tăng, làm mạnh xương, khớp, cải thiện hô hấp, huyết áp... Tuy nhiên, chỉ nên coi đây là một trong các phương pháp nâng cao thể trạng và giúp phòng bệnh, nhất là các bệnh về đường tiêu hóa. Đối với một số bệnh mạn tính như ung thư, tim mạch, tiểu đường, các bệnh cần can thiệp ngoại khoa thì bài tập không thể chữa được bệnh.

Theo Gia đình và xã hội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ