Khai mở lối đi riêng này, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH khẳng định, bà và TH xây dựng nhà máy này xuất phát từ chính những bức bách của thị trường - đó là an toàn thực phẩm, an ninh dinh dưỡng.
Nhà máy được coi là “cú hích” với kinh tế Sơn La, là điểm nhấn quan trọng trong hành trình Tập đoàn TH đưa nông dân đi theo chuỗi sản xuất khép kín, bắt đầu từ khâu nguyên liệu, cùng nông dân làm kinh tế dưới tán rừng, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tri thức, phát huy nguồn gen quý của các cây bản địa để sản xuất các sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, vì sức khỏe cộng đồng, phát triển nông nghiệp bền vững tại Sơn La và vùng Tây Bắc.
Bước đột phá trong nông nghiệp hàng hóa Tây Bắc
Tham dự sự kiện, bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, đây là niềm vui chung của tỉnh Sơn La, nhất là với những người nông dân tại các vùng trồng hoa quả trọng điểm như huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Bắc Yên, Phù Yên.
Với việc Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ chính thức đi vào hoạt động, người nông dân nơi đây sẽ không còn nỗi lo “được mùa mất giá” về đầu ra cho sản phẩm mà mình đã mất bao mồ hôi, công sức và tiền bạc để đầu tư cho sản xuất.
Nhấn mạnh đây là một bước đột phá trong nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Sơn La, bà Tòng Thị Phóng cho rằng: “Đưa vào vận hành một nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới tại Việt Nam tại Sơn La không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy và hàng chục ngàn lao động gián tiếp trên địa bàn tỉnh, mà sẽ còn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp chất lượng cao để tỉnh Sơn La đưa thương hiệu hoa quả đáng tự hào của mình phát triển bền vững và vươn xa hơn nữa ra thế giới.
Dưới tán rừng Sơn La và các tỉnh Tây Bắc sẽ là những vườn cây ăn quả, nguồn dược liệu hiếm quý, chất lượng cao, minh chứng cho một nền kinh tế phát triển bền vững mà đầu tàu dẫn dắt là Tập đoàn TH”.
Bà Tòng Thị Phóng tin tưởng đây sẽ là mô hình Hợp tác xã kiểu mới, chủ động ứng dụng công nghệ cao khi người nông dân được tập hợp lại, cùng tự nguyện liên kết sản xuất, để không còn ai “bị bỏ lại phía sau”, trong xu thế công nghệ hóa, trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị, được doanh nghiệp dẫn dắt, đưa ra kế hoạch sản xuất, quy chuẩn kỹ thuật cũng như yêu cầu về chất lượng sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, sơ chế.
Bên cạnh đó, với sự xuất hiện của một dự án hiện đại, phương thức hợp tác hiện đại, chắc chắn sẽ giúp cán bộ các cấp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và người nông dân đổi mới tư duy, tập quán canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, đứng trước các cơ hội làm ăn lớn, hội nhập quốc tế.
Xóa đói giảm nghèo bền vững nhất cho nông dân chính là đưa họ vào một phương thức canh tác sản xuất, vì vậy, bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH luôn tâm niệm: sự kết hợp giữa tài nguyên thiên nhiên, trí tuệ Việt, công nghệ cao và khoa học quản trị đan xen vào nhau sẽ tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao vì sức khỏe của cộng đồng, làm nên sức mạnh của dân tộc.
Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH nhắn nhủ chính quyền tỉnh Sơn La động viên bà con địa phương để họ tin tưởng, chung tay xây dựng một vùng nguyên liệu đúng với cam kết chất lượng quốc tế, đó là không sử dụng hóa chất, các chất bảo quản không an toàn cho sức khỏe con người.
Tiên phong đầu tàu dẫn lối cho nông nghiệp
Nói lên tiếng nói của các doanh nhân yêu nước khát khao mở ra một con đường đi cho phát triển kinh tế đất nước, bà Thái Hương đề xuất: Cần có những cơ chế, chính sách đột phá hơn nữa, cải cách thể chế, ban hành những quy chuẩn trong sáng để người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi hơn nữa, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Từ đó, các doanh nghiệp trở thành đầu tàu dẫn lối trong nông nghiệp, tập trung khai thác các thế mạnh để mang sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của nhân dân ta ra thế giới, để thế giới đón nhận các sản phẩm của Việt Nam với chất lượng tốt và những thế mạnh mà thiên nhiên đã ban tặng.
Kể lại bài học thành công từ mô hình sản xuất lớn tại Nghệ An, bà Thái Hương nhấn mạnh: “Chúng tôi không đề nghị hỗ trợ tài chính, chúng tôi muốn xin về thể chế, cơ chế chính sách!”.
Điều đó đã được minh chứng qua sự cởi mở và tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh Nghệ An 10 năm trước dành cho TH. Với sự vào cuộc tích cực của Nghệ An, chỉ trong vòng 14 tháng, Dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao của TH đã hoàn thành và sau 10 năm không ngừng mở rộng quy mô, đưa vùng đất khắc nghiệt của Nghệ An trở thành một mô hình kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam.
Điều này càng khẳng định vai trò của thể chế và chính quyền trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế, tạo ra những thay đổi đột phá, lâu dài và bền vững tại các địa phương vùng sâu vùng xa, vùng còn khó khăn – nhưng nơi mà không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tâm, tầm, trí, lực và tinh thần phụng sự để ra quyết định, thực thi đầu tư.
“Với nỗ lực của chúng tôi, một khi đã vượt qua được những khó khăn và thành công như Dự án ở Nghệ An, thì không có bất cứ một nơi nào trên đất nước Việt Nam hay trên thế giới mà chúng tôi không thành công về nông nghiệp công nghệ cao nữa, bởi vì chúng tôi đã nắm trong tay khoa học quản trị, khoa học công nghệ cao, hợp tác với những chuyên gia hàng đầu thế giới”, bà Thái Hương khẳng định.
Bởi vậy, việc chính quyền Sơn La tin tưởng, hỗ trợ tìm nguồn nguyên liệu cho Tập đoàn TH là một thành công không chỉ của những người quản lý, doanh nghiệp, mà bà con, với tài sản là đồng ruộng của họ, sẽ đi cùng TH, trở thành một mắt xích của TH cũng như ở Nghệ An.
Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ ghi dấu ấn với các điểm nhấn đặc biệt về công nghệ- đứng đầu trong ngành chế biến nông sản:
· Đây là nhà máy sử dụng công nghệ trích ly hoàn toàn tự động và công nghệ chế biến áp suất cao HPP. Các sản phẩm sẽ được chế biến bằng áp suất cao trong thời gian ngắn thích hợp mà không dùng nhiệt, giúp lưu giữ được nhiều nhất màu sắc, hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng của rau, củ, trái cây tươi mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
· Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến sản phẩm cam, nhãn cô đặc, trên dây chuyền hiện đại hàng đầu thế giới. Nhà máy được lắp đặt bởi Tổng thầu Rieckermann của Đức và sử dụng thiết bị do Công ty Bertuzzi của Italia sản xuất. Dây chuyền của Bertuzzi là dây chuyền thế hệ mới nhất, chế biến trái cây với tính đồng bộ và tự động hóa cao từ khâu rửa quả tự động, tách vỏ, trích ly đến cô đặc và đóng gói.
Được khởi công từ tháng 1/2018, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ đi vào sản xuất giai đoạn 1 (2020-2025) với công suất chế biến 300 tấn rau, hoa quả, thảo dược; mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, giải quyết được 15.000 hecta vùng nguyên liệu. Giai đoạn 2 (sau năm 2025), toàn Dự án tăng mức đầu tư lên 3.500 tỷ đồng, giải quyết hơn 35.000 hecta nguyên liệu. Trước mắt nhà máy tập trung vào chế biến các loại quả như: Nhãn, ổi, xoài, cam, chanh leo, táo mèo... và sản xuất các loại nước ép rau củ quả hoàn toàn tự nhiên, an toàn.