GS Lê Anh Tuấn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nano, Trường ĐH Phenikaa. Ông được lựa chọn là một trong những nhà giáo tiêu biểu năm 2023.
Tạo trường phái nghiên cứu riêng
Chia sẻ về thành tích nghiên cứu khoa học tâm đắc nhất, GS Lê Anh Tuấn nhắc ngay đến việc xây dựng và phát triển thành công một nhóm nghiên cứu mạnh tại Viện Nghiên cứu Nano - Trường ĐH Phenikaa trong lĩnh vực về “Vật liệu & Công nghệ Nano”.
Nhóm nghiên cứu mạnh này đã xuất sắc tạo ra các sản phẩm nghiên cứu trong cả lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ với việc công bố trên 39 công trình bài báo quốc tế ISI/Scopus; 7 sáng chế, 2 giải pháp hữu ích trong năm học 2022-2023.
Trong đó, 7 sáng chế liên quan đến phát triển các sản phẩm thiên nhiên tích hợp với công nghệ nano có tác dụng tăng cường khả năng phòng, hỗ trợ các bệnh liên quan tim mạch, hạ mỡ máu từ một số dược liệu như lá trà hoa vàng, nấm dược liệu.
2 giải pháp hữu ích liên quan đến phát triển quy trình công nghệ xanh để sản xuất các vật liệu nano chức năng và thử nghiệm ứng dụng các vật liệu nano.
Một số sản phẩm đã được nhóm nghiên cứu kết hợp với một số doanh nghiệp để sản xuất thử nghiệm thành công trong năm 2023.
GS Lê Anh Tuấn cũng chia sẻ 3 dự án nghiên cứu của nhóm nghiên cứu mạnh đã thử nghiệm thành công và có tính ứng dụng trong thực tiễn.
Trong đó có dự án phát triển công nghệ điện phân để sản xuất các vật liệu nano chức năng (kim loại, oxit kim loại, nano carbon, cấu trúc lai hóa/tổ hợp,…) ở quy mô lớn (quy mô pilot). Nhóm đã thử nghiệm thành công quy trình công nghệ này để tạo ra hơn 10 loại vật liệu chức năng, cao cấp khác nhau tại Trường ĐH Phenikaa.
Cùng với đó là dự án ứng dụng các hoạt chất nano kim loại có độ tinh sạch cao (e-Ag, e-Au,…) trong sản xuất thử nghiệm các sản phẩm hóa chất tẩy rửa (nước rửa tay, nước lau sàn, nước rửa chén,…) và hóa mỹ phẩm (nước hoa, kem dưỡng da…) có hoạt tính được tăng cường; hợp tác sản xuất thử nghiệm với Công ty TNHH Bell Đức, Việt Nam.
Cuối cùng là dự án ứng dụng các vật liệu nano bán dẫn (e-TiO2, e-Graphene Oxit) để tăng cường khả năng chống tia UV trong các sản phẩm đá thạch anh nhân tạo sử dụng ngoài trời của Công ty Cổ phẩn Vicostone, Tập đoàn Phenikaa.
“Đặc biệt, nhóm nghiên cứu tạo ra được một trường phái nghiên cứu riêng trong lĩnh vực “Vật liệu Nano Y sinh - Môi trường-NEB Lab” ở Việt Nam.
Rất nhiều nhà khoa học trẻ, cán bộ nghiên cứu của nhóm đã xuất sắc giành một số giải thưởng và trưởng thành độc lập trong hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, nhóm cũng được mời báo cáo tại rất nhiều hội nghị chuyên ngành trong nước, quốc tế”, GS Lê Anh Tuấn tự hào chia sẻ.
Cán bộ Viện Nghiên cứu Nano, Trường ĐH Phenikaa. |
Mong chính sách xứng đáng cho giảng viên có năng lực nghiên cứu
Chia sẻ kinh nghiệm có được kết quả trong nghiên cứu khoa học, GS Lê Anh Tuấn cho biết,Trường ĐH Phenikaa có các chính sách đầu tư về cơ sở vật chất và trao quyền cho các trưởng nhóm nghiên cứu để xây dựng phòng thí nghiệm phục vụ hoạt động nghiên cứu chuyên nghiệp.
Đi kèm với đó là chính sách hỗ trợ học bổng tài trợ để tuyển dụng các cán bộ làm công tác nghiên cứu chuyên sâu, như trợ lý nghiên cứu, nghiên cứu viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, nghiên cứu sau tiến sĩ (Postdoc).
Nhà trường đồng thời xây dựng môi trường học thuật “tôn trọng - sáng tạo - phản biện” để phát huy và hiện thực hóa được tiềm năng trong mỗi người.
Theo GS Lê Anh Tuấn, các trưởng nhóm nghiên cứu cần có kinh nghiệm trong quản trị và quản lý hoạt động nhóm nghiên cứu, áp dụng các kiến thức quản trị đó để vận hành nhóm nghiên cứu như một doanh nghiệp nhỏ.
Các nhóm nghiên cứu cần thông minh và chủ động trong lựa chọn vấn đề nghiên cứu xuất phát và gắn liền với nhu cầu thị trường, bắt nguồn từ thực tiễn, gắn kết với doanh nghiệp; từ đó đầu ra của nghiên cứu có tính khả thi và địa chỉ ứng dụng rõ ràng.
Chia sẻ mong muốn về cơ chế, chính sách để cán bộ, giảng viên đại học thuận lợi hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, GS Lê Anh Tuấn cho rằng, cần có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cụ thể theo năm học hoặc giai đoạn 3-5 năm cho các giảng viên - nhà khoa học/nhóm nghiên cứu. Đi kèm mức với đầu tư kinh phí là yêu cầu các chỉ số đo lường KPI cụ thể đầu ra. Đầu tư tài trợ hoặc đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài/dự án hoặc chương trình nghiên cứu lớn có thể dài hạn hơn trong 3-5 năm.
Đồng thời với đó là chính sách chi trả thu nhập xứng đáng cho giảng viên có năng lực nghiên cứu để tham gia triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đóng góp, tạo ra tri thức mới cho trường ĐH.
Môi trường học thuật, sáng tạo trong trường đại học cần được minh bạch, đánh giá đúng và đủ theo năng lực, cống hiến tạo ra.
“Cũng cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia với trường đại học trong đầu tư, tài trợ; cơ chế minh bạch trong chia sẻ tri thức, chia sẻ tài sản trí tuệ phù hợp giữa các bên liên quan: nhà khoa học, nhà trường và nhà đầu tư là doanh nghiệp”, GS Lê Anh Tuấn cho hay.