Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ
Gia đình chị Trịnh Thị Phương, dân tộc Sán Dìu ở xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình là hộ nghèo nhiều năm tại địa phương. Năm 2017, gia đình chị được hỗ trợ vay không thế chấp 20 triệu đồng từ chương trình 135 để phát triển sản xuất.
Có nguồn vốn, gia đình đầu tư chuồng trại chăn nuôi gà thương phẩm và chuyển đổi thêm phần diện tích còn lại của gia đình sang cây trồng có giá trị cao...
Vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, đến nay gia đình chị Phương không chỉ thoát nghèo, mà trở thành hộ gia đình có mức thu nhập khá tại địa phương, với tổng thu nhập từ mô hình kinh tế là gần 200 triệu đồng mỗi năm.
Chị Phương chia sẻ: “Nguồn vốn vay không nhiều nhưng nó đã tạo điểm tựa để gia đình đầu tư chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo.”.
Là một trong những địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao của huyện với 72,68% tổng số dân của xã. Trong những năm qua, xã Tân Thành, huyện Phú Bình đã được thụ hưởng nhiều nguồn vốn đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 46 triệu đồng/năm, tăng 10 triệu đồng so với năm 2019. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 3,57%.
Anh Luân Văn Vũ, dân tộc Nùng, ở xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành cho biết: “Gia đình tôi được vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua 2 con trâu. Đến nay, từ số tiền bán trâu, tôi đã trả được tiền vay và đầu tư trồng 1,5ha rừng, hiện đã khai thác, bán gỗ được trên 150 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo”
Thay đổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Huyện Phú Bình hiện có dân số 173 nghìn người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 10,9%. Một số xã có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao là: Tân Thành, Bàn Đạt, Tân Hòa, Tân Kim.
Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, huyện Phú Bình ưu tiên các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh và nguồn lực địa phương để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Đến thời điểm này cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều đổi thay rõ nét. Kinh tế phát triển, nhà cửa ngày càng khang trang, đường xá đi lại thuận lợi. Nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Với đà này thời gian tới nếu được sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước cũng như các cấp các ngành thì chắc chắn rằng sự chênh lệch giữa đồng bào dân tộc thiểu số với các địa phương khác trên địa bàn sẽ ngày càng được rút ngắn lại” . Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Thành khẳng định.
Bên cạnh các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh. Huyện Phú Bình ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn khác để hỗ trợ sinh kế, giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số.
Cụ thể, thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế thuộc nội dung số 01, Tiểu dự án 2, Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các xóm đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Đồng Bầu, Cầu Cong (xã Tân Khánh), Đồng Quan, Đá Bạc, Cầu Mành (xã Bàn Đạt). Trong năm 2024, huyện Phú Bình dự kiến phân bổ nguồn vốn khoảng 1,2 tỷ đồng để thực hiện các dự án.
Ông Nguyễn Văn Hoà, Trưởng phòng Dân tộc huyện Phú Bình chia sẻ: “Việc thực hiện các chính sách đã làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Phú Bình. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.
Các chính sách đã có tác động mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa sâu rộng lớn, động viên đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng với hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu phát triển kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Từ nguồn lực đó đã khơi dậy ý chí, tinh thần vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu trong vùng dân tộc thiểu số”.