Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

GD&TĐ - Thu nhập người dân từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần là tín hiệu khả quan trong công tác giảm nghèo ở huyện Mường Chà (Điện Biên).

Người dân Mường Chà chăm sóc vườn cây ăn quả.
Người dân Mường Chà chăm sóc vườn cây ăn quả.

Đổi tư duy – thay cách làm

Nhằm từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp. Đặc biệt, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật sản xuất. Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc trên địa bàn đã từng bước được nâng lên.

Trước đây, gia đình anh Khoàng Văn Trường là hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Mường Tùng, huyện Mường Chà. Kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào mấy trăm mét ruộng. Năm 2019, từ nguồn vốn của chương trình 135, gia đình anh đã được hỗ trợ một con bò sinh sản. Được hỗ trợ bò, gia đình anh chăm sóc cẩn thận nên bò sinh trưởng và phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra.

Đến nay, đàn bò của gia đình anh Trường phát triển được 4 con. Đây tài sản lớn đối với gia đình anh và là nguồn lực để phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Ngôi nhà tạm ngày nào giờ đã được anh thay bằng ngôi nhà sàn truyền thống kiên cố, rộng rãi hơn.

mương_cha_2.jpg
Anh Khoàng Văn Trường chăm sóc đàn bò.

Anh Khoàng Văn Trường chia sẻ: “Tôi rất vui vì được quan tâm hỗ trợ bò sinh sản. Đến nay, đàn bò của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt. Cuộc sống gia đình cũng dần ổn định hơn. Chính vì thế, tôi đã xin chuyển từ hộ nghèo sang hộ cận nghèo”.

Nhằm tạo động lực giúp nhân dân phát triển sản xuất, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, những năm qua, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà đã triển khai kịp thời các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo phù hợp với người dân. Bên cạnh đó, xã cũng tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân tự lực tự cường, thay đổi hình thức canh tác trong sản xuất.

Ông Lò Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Tùng cho biết: “Các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với hộ nghèo được triển khai kịp thời và hiệu quả. Qua đó, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, tạo động lực cho bà con vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, để xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân, chúng tôi tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, bằng việc xây dựng chuỗi liên kết các giá trị sản phẩm. Tiếp tục đầu tư cây, con giống và hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Ông Lò Ngọc Ánh, bản Mường Tùng, xã Mường Tùng cho biết: “Trước đây, gia đình khó khăn, muốn mua con bò nuôi nhưng không có vốn. Đến nay, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ bò giống, tôi cố gắng chăm sóc cho tốt để phát triển kinh tế gia đình. Bản thân tôi từng tham gia kháng chiến tại Campuchia nên cũng được Nhà nước quan tâm hỗ trợ”.

Cũng như nhiều hộ dân khác, gia đình ông Lý A Dếnh ở bản Nậm Bó, xã Na Sang, huyện Mường Chà chủ yếu sống dựa vào sản xuất trên nương, trồng lúa, ngô nhưng năng suất thấp. Cách đây 10 năm, ông Dếnh đã chuyển toàn bộ diện tích đất trồng lúa sang trồng dứa. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc nên năng suất dứa chưa đạt được kết quả như mong muốn.

mường chà.jpg
Ông Lý A Dếnh thu hoạch dứa.

Năm 2018, được Viện khoa học rau quả Hà Nội lên hướng dẫn kỹ thuật từ khâu trồng, bón phân, thu hoạch quả nên vườn dứa của ông đã đạt năng suất cao hơn hẳn. Đến nay, diện tích trồng dứa của gia đình ông hơn 1ha, sau khi trừ chi phí mỗi năm thu nhập từ 100-150 triệu đồng.

Ông Lý A Dếnh chia sẻ: “Trước đây, cứ thấy khu vực nào dứa không tốt là chúng tôi bón phân vào nên vừa tốn phân bón, cây lên lại không đều. Bây giờ làm theo hướng dẫn của Viện khoa học thì cây phát triển tốt hơn, quả ra to, đều nhau, bán dễ hơn và phân bón cũng không tốn như trước”.

Ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Na Sang, huyện Mường Chà cho biết: “Thông qua các chương trình, dự án, các mô hình phát triển kinh tế... không chỉ giúp bà con trên địa bàn huyện xóa được đói, giảm được nghèo mà quan trọng hơn nó làm thay đổi tư duy, nếp nghĩ của bà con trong phát triển kinh tế. Từ đó, huyện tiếp tục triển khai nhân rộng những mô hình giảm nghèo hay, cách làm tốt nhằm khích lệ người dân, nhất là người nghèo, trong công cuộc xóa đói giảm nghèo".

Thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao

Mường Chà là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên với 11 xã và 1 thị trấn. Toàn huyện có 110 bản, trong đó có 97 bản đặc biệt khó khăn. Tình hình sản xuất tại đây phát triển chậm, vẫn chưa thoát khỏi việc sản xuất tự cấp, tự túc, phụ thuộc vào thiên nhiên. Nhiều bản vùng cao vẫn chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; khả năng tiếp thu kiến thức khoa học còn hạn chế; một số địa phương thiếu quỹ đất sản xuất… Những yếu tố trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chính sách dân tộc nói riêng.

mương_cha_1.png
Nhiều hộ dân trồng dứa đem lại thu nhập cao.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Mường Chà đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ. Các chương trình 30a, 135, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới… được triển khai đã đem lại quyền lợi trực tiếp cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt hơn 29 triệu đồng. Đời sống nhân dân các dân tộc trong huyện từng bước được ổn định và nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo luôn giảm từ 4-5% mỗi năm.

Ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Na Sang khẳng định: “Được sự quan tâm đầu tư của các cấp với nhiều chương trình dự án đã tạo động lực cho bà con phát triển kinh tế. Nhất là việc hỗ trợ bà con sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap để sản phẩm làm ra đủ tiêu chuẩn và dễ tiêu thụ hơn. Ngoài ra, xã còn được quan tâm đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, đường, công trình nước sinh hoạt. Đến nay cuộc sống bà con Nhân dân ở xã Na Sang đã thay đổi rõ rệt”.

Ông Hồ A Thào, Trưởng phòng dân tộc huyện Mường Chà cho biết: “Thời gian qua, huyện Mường Chà đã triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, như hỗ trợ giống cây ăn quả, bò sinh sản. Đối với dự án hỗ trợ giống bò sinh sản thì hiện nay đang sinh trưởng và phát triển tốt.

"Để chăn nuôi hiệu quả hơn, chúng tôi cũng tuyên truyền bà con chuyển từ nuôi thả sang trồng cỏ để nuôi nhốt. Ngoài ra, còn có mô hình trồng khoai tây ở xã Ma Thì Hồ và xã Sa Lông. Qua đó, cũng tạo được sự liên kết giữa các hộ dân với nhau và hộ dân với cơ sở tiêu thụ” - ông Hồ A Thào chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.

Cốm Làng Vòng được làm từ loại lúa nếp cái hoa vàng và là loại lúa non.

Giữ 'hồn' cho cốm làng Vòng

GD&TĐ - Làng Vòng, thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gắn liền với nghề làm cốm từ nhiều thế kỷ trước.