Tảo hôn: Tập quán lạc hậu cần thay đổi

GD&TĐ - Việc mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ sức khoẻ để nuôi dưỡng bào thai sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bình thường của thai nhi.

Tuyên truyền về SKSS/ phòng chống tảo hôn ở Ayun - Mang yang (Gia Lai)
Tuyên truyền về SKSS/ phòng chống tảo hôn ở Ayun - Mang yang (Gia Lai)

Mặt khác, mang thai và sinh đẻ ở lứa tuổi vị thành niên là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong chu sinh và sơ sinh.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai,  các trường hợp chết chu sinh phần lớn xảy ra ở vùng sâu, xa và đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp nhiều lần so với vùng có điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi.

Nguyên nhân chủ yếu phần lớn là những phụ nữ mang thai ở độ tuổi dưới 19 và trên 35 tuổi, tỷ suất chết mẹ còn 20 ca/ 100.000 ca đẻ sống, và  trẻ sinh ra nhẹ cân (dưới 2.500 gam) chiếm 4,16% và trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn 20%.

Tảo hôn không những ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, chất lượng giống nòi và kinh tế của hộ gia đình người đó mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả thực hiện các chính sách xã hội khác.

Sống cùng cha mẹ đẻ vẫn là con ngoài giá thú

Đang sống cùng cha mẹ đẻ vẫn phải làm con ngoài giá thú - đó chỉ là một trong nhiều hậu quả mà những đứa trẻ con của những cặp vợ chồng tảo hôn phải gánh chịu.

Tại xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh,  năm 2015 có 97 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn; đăng ký khai sinh 89 trẻ và có 40 trẻ đăng ký khai sinh quá hạn.

Anh Nay Gun, cán bộ Tư pháp xã cho biết: “Các cặp vợ chồng tổ chức đám cưới và chung sống với nhau, thậm chí sinh con khi đủ tuổi mới đi đăng ký kết hôn, nếu chưa đủ tuổi đăng ký mà con đã đến tuổi đi học mẫu giáo hoặc lớp 1 thì họ phải đành đăng ký cho con khai sinh ngoài giá thú, khi nào đủ tuổi đăng ký kết hôn thì lại làm thủ tục nhận con”.

Đó là những trẻ đến tuổi đi học nhưng với những trẻ mới sinh mà không có Giấy khai sinh thì việc đăng ký với cán bộ xã để được cấp Thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi cũng không làm được.

Vì vậy nếu không may trẻ ốm đau, có trường hợp bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo thì thật khó khăn cho gia đình, nhất là những cặp vợ chồng trẻ chủ yếu sống dựa vào Bố mẹ, chưa biết tự lo cho bản thân, nay lại thêm con nay đau mai ốm.

Chị Siu HAn, cộng tác viên Dân số làng Plei Dư, xã Ia Hrú cho biết, ở làng chị hơn 1 năm qua đã có 6 cặp tảo hôn, chủ yếu là chỉ học đến lớp 5,6 rồi bỏ học ở nhà lấy chồng sớm, hầu hết chỉ sinh năm 1997, 1998, khi lấy chồng mới 15, 16 tuổi.

Ông Kpui KHêlk, Trưởng thôn Plei Dư cho biết, làng có 1.241 người, là địa bàn rộng, đông dân của xã nhưng những năm gần đây kinh tế khá lên, trẻ em lại nghỉ học sớm nhiều nên tình trạng lấy vợ, lấy chồng sớm khá phổ biến, phần thì để có thêm sức lao động trong gia đình, phần do người dân cũng chưa hiểu được tác hại của tảo hôn, kết hôn sớm.

Xã cũng đã phối hợp với Thôn để tuyên truyền cho bà con tác hại của tảo hôn thông qua các buổi họp dân, Câu lạc bộ “Nâng cao chất lượng dân số dân tộc ít người”, tình trạng tảo hôn có giảm nhưng vẫn còn, vận động cha mẹ của trẻ thì họ bảo con họ đòi lấy vợ, lấy chồng, nhà khác cưới cho con họ được, sao con họ không cho lấy...

Qua điều tra, khảo sát, gặp gỡ cán bộ xã, huyện cho thấy, hiện đã có chế tài xử lý tảo hôn nhưng việc xử phạt đối với người vi phạm, đặc biệt là  người đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Ủy ban nhân dân cấp xã chưa cương quyết trong việc xử lý tảo hôn, còn tình trạng buông lỏng cho người vi phạm thực hiện hành vi tảo hôn.

Việc đăng ký kết hôn muộn hiện chỉ dừng ở mức độ cảnh cáo bằng lời nói, nhắc nhở, xử lý hành chính. Theo báo cáo số liệu khảo sát 5 năm 2010 - 2015 của Sở Tư pháp đã có 4.406 cặp tảo hôn/ 68.628 cặp vợ chồng đã kết hôn, chiếm 6,42%.

Qua hàng năm, số trẻ vị thành niên tảo hôn vẫn tăng, trên thực tế, không ít cán bộ xã, thôn làng cũng không răn đe nổi con cháu mình, đành “bó tay” để con cháu tảo hôn.

16 tuổi lấy chồng và 20 tuổi đã có 2 con
16 tuổi lấy chồng và 20 tuổi đã có 2 con

Mô hình nâng cao chất lượng dân số

Theo bà Đinh HNghĩa - Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh: Việc xây dựng và triển khai mô hình can thiệp nhằm loại bỏ hoặc thay đổi tập quán lạc hậu về tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại một số cộng đồng dân tộc thiểu số là hết sức cần thiết.

Điều này góp phần quan trọng và trực tiếp cải thiện chất lượng giống nòi, nâng cao chất lượng dân số tại các địa bàn triển khai mô hình nói riêng và trong toàn tỉnh nói chung.

Mô hình “Nâng cao chất lượng dân số dân tộc ít người, giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết” được triển khai trên địa bàn 20 xã, thị trấn của các huyện Ia Pa, Chư Pưh, Mang Yang, Kông Chro, Ia Grai với các hoạt động chính như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tổ chức hội nghị, hội thảo, nói chuyện chuyên đề với các nhóm đối tượng; cung cấp các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, nguy cơ, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Duy trì các điểm truyền thông tư vấn và tổ chức các nhóm sinh hoạt, ưu tiên các Trường nội trú của tỉnh, huyện và tổ chức đoàn thanh niên. Lồng ghép các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em... vào hương ước, quy ước của thôn, làng, tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Ngoài mục đích góp phần giảm nhanh tỷ lệ tảo hôn và kết hôn cận huyết thống của người dân tại địa bàn các xã triển khai, việc triển khai mô hình còn giảm tỷ lệ trẻ em bị dị dạng, dị tật, bệnh tật... do hậu quả của việc mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên và hôn nhân cận huyết thống.

Bên cạnh đó, mô hình sẽ làm giảm tỷ lệ phụ nữ nạo phá thai, nâng cao sức khoẻ cho phụ nữ; giảm chi phí và thời gian nghỉ lao động với lý do thai sản, từ đó góp phần thực hiện tốt hơn chính sách dân số của Đảng và Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ