Thầy Lê Trọng Tuấn - Hiệu trưởng Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương cho biết: Với quyết tâm không để bất cứ học sinh nào bị bỏ lại phía sau, nhà trường đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để tổ chức dạy học từ xa đạt hiệu quả nhất trong bối cảnh học sinh chưa thể xuống trường học tập trung.
Trong các giải pháp đó, với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong học tập, từ nguồn kinh phí xã hội hoá, nhà trường đã hỗ trợ điện thoại thông minh, hỗ trợ thẻ điện thoại 3G, 4G để các em yên tâm học tập. Cùng với đó, nhà trường hàng tuần sẽ tổng kết biểu dương các em có kết quả học tập tốt, để động viên, khích lệ tinh thần học tập của các em.
Học sinh Sùng Seo Hòa, dân tộc Mông hiện đang sinh sống tại bản Huổi Moi, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, nơi không có mạng internet, không có điện lưới quốc gia, gia đình em cũng không có điện thoại thông minh. Được nhà trường hỗ trợ điện thoại cấu hình tốt, thẻ điện thoại 3G, em đã khắc phục được những khó khăn ban đầu để tham gia học trực tuyến với thầy cô.
Học sinh Lường Thị Thắm, dân tộc Thái ở bản Bản Nát - Quài Cang, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên – người vừa cắt cỏ, chăn bò, vừa tranh thủ leo lên mỏm đá cao để bắt sóng 3G học trực tuyến, cũng được nhà trường hỗ trợ điện thoại mới.
Thắm cho biết, điện thoại cũ của em cấu hình thấp, pin yếu, có hôm vừa đi chăn bò trên đồi vừa tranh thủ vào lớp học trực tuyến nhưng điện thoại hết pin, chạy về nhà để sạc thì hết ca học. Nhận được sự hỗ trợ của nhà trường, em rất vui, cảm động và hứa sẽ học thật tốt để đáp lại sự quan tâm của các thầy cô giáo.
Thời gian vừa qua, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương đã khắc phục khó khăn, chủ động đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học từ xa cho học sinh người dân tộc thiểu số.
Với đặc thù 100% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, cho nên, internet hay điện thoại thông minh là điều khá xa lạ. Ban Giám hiệu Nhà trường cùng các thầy, cô giáo đã họp bàn, quyết định tổ chức dạy học từ xa cho học sinh.
Theo đó, học sinh học từ xa với sự hỗ trợ của giáo viên dưới 3 hình thức: Giáo viên tương tác trực tuyến với học sinh theo thời khóa biểu của Nhà trường; giáo viên tương tác trực tuyến với học sinh theo điều kiện kết nối mạng internet của học sinh; giáo viên tương tác với học sinh qua điện thoại sau khi tài liệu được gửi tới học sinh qua đường bưu điện.
Toàn bộ tài liệu hướng dẫn học sinh tự học đã được tinh lược, xây dựng theo các modun, kèm với đó là các video hỗ trợ học sinh tự học. Nội dung tài liệu được nhà trường thẩm định, sau đó chuyển đến các em học sinh trước các ca học. Kết thúc mỗi ca học (hai tiết), tương ứng với một modun học tập và học sinh được xét công nhận kết quả học tập dựa vào bốn yếu tố, gồm ý thức học tập và kết quả của ba bài kiểm tra kiến thức ở các mức độ khác nhau.
Nhờ công tác tuyên truyền, vận động, kết hợp các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn do Ban lãnh đạo trường tổ chức, đến thời điểm này, cơ bản các thầy, cô giáo đã đáp ứng yêu cầu giảng dạy của nhà trường. Nhiều giáo viên đã chủ động thay đổi tư duy, tìm hiểu, xây dựng cho mình phương pháp làm việc mới, tạo nên những bài giảng trực tuyến chất lượng và được học sinh tích cực đón nhận.