Tăng cường thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Tăng cường thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

Nội dung chỉ thị ghi rõ: Thanh tra giáo dục có vị trí quan trọng trong việc bảo đảm nề nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục của toàn ngành. Thời gian vừa qua, Thanh tra giáo dục có nhiều đổi mới theo Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09/5/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục. Hoạt động thanh tra giáo dục đã chuyển mạnh từ thanh tra chuyên môn sang thanh tra quản lý nhằm tác động vào cả hệ thống.

Đội ngũ cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra được bổ sung, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo từng bước được chuẩn hóa. Tuy vậy, tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục cũng còn không ít bất cập, nhất là trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đổi mới hoạt động ngành Thanh tra hiện nay.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra giáo dục, góp phần đổi mới quản lý giáo dục nói riêng và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ thị toàn ngành tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

1. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí công tác thanh tra trong toàn ngành. Người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò công tác thanh tra và trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Giáo dục đối với công tác thanh tra.

2. Kiện toàn cơ cấu tổ chức, nhân sự làm công tác thanh tra. Các sở GD&ĐT đảm bảo số lượng, chất lượng đội ngũ Thanh tra Sở để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong đó có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra; cán bộ thanh tra phụ trách lĩnh vực giáo dục mầm non, phổ thông; cán bộ thanh tra phụ trách lĩnh vực giáo dục đại học; cán bộ phụ trách tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và phòng, chống tham nhũng; cán bộ phụ trách theo dõi xử lý sau thanh tra.

Các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng trực thuộc Bộ kiện toàn tổ chức thanh tra theo quy định tại Thông tư số 51/2012/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra của các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp.

3. Cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục kiện toàn và thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc xem xét, giải quyết đơn thư. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài, không để tích tụ mâu thuẫn và phát sinh các điểm nóng.

4. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác thanh tra. Người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục chỉ đạo tổ chức Thanh tra trực thuộc xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời tiến hành thanh tra đột xuất khi cần thiết. Tổ chức thanh tra, kiểm tra đúng quy trình quy định, kết luận rõ ràng, xử lý nghiêm các vi phạm. Thực hiện việc công khai kết luận thanh tra nhằm tác động vào cả hệ thống. Đẩy mạnh việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra theo đúng quy định tại Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra.

5. Học viện quản lý giáo dục, Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nội dung công tác thanh tra giáo dục trong chương trình và tăng cường việc bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục các cấp phù hợp với yêu cầu đổi mới công tác thanh tra giáo dục hiện nay.

6. Cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tăng cường các điều kiện bảo đảm về kinh phí, vật chất, phương tiện cho hoạt động thanh tra; tăng cường phối hợp với cơ quan thanh tra nhà nước trong việc xây dựng kế hoạch, tiến hành thanh tra và xử lý sau thanh tra.

7. Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ:

a) Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng kế hoạch và tổ chức sửa đổi, bổ sung các văn bản về thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng theo thứ tự ưu tiên; bổ sung một số chế tài trong các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục tạo công cụ cho việc xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân trong và ngoài cơ sở giáo dục.

b) Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ; bảo đảm bao quát công việc trong đó có việc theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra và theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện kết luận của Lãnh đạo Bộ; xây dựng cơ chế bồi dưỡng cán bộ nhằm thu hút cán bộ có phẩm chất, năng lực, bản lĩnh làm công tác thanh tra.

c) Phối hợp với Vụ Kế hoạch-Tài chính và các đơn vị liên quan trong việc dự toán chi ngân sách nhà nước, bổ sung, thay thế các trang thiết bị chuyên dụng (máy tính xách tay, máy ghi âm, ghi hình, tủ bảo mật, các phần mềm chuyên dùng trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân...). Bảo đảm kinh phí cho hoạt động thanh tra, cho việc chi mua tin, trưng cầu chuyên môn, bảo vệ cán bộ và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

d) Chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin xây dựng hệ thống thông tin quản lý về thanh tra giáo dục từ Thanh tra Bộ đến các sở GDĐT và thanh tra nội bộ các cơ sở giáo dục đào tạo đảm bảo công tác thông tin liên lạc, hướng dẫn chỉ đạo về nghiệp vụ thanh tra, trao đổi thông tin về hoạt động và kết quả hoạt động thanh tra được thường xuyên, kịp thời.

đ) Phối hợp với các Vụ, Cục, Văn phòng, Cơ quan đại diện trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra có hiệu quả, tránh chồng chéo.

e) Tổ chức rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra của Bộ, các sở GDĐT, các cơ sở giáo dục đại học; xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về thanh tra giáo dục cho từng nhóm đối tượng cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra của toàn ngành.

8. Giao Chánh Thanh tra Bộ giúp Bộ trưởng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị; định kỳ báo cáo Bộ trưởng tình hình thực hiện Chỉ thị; tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng các cá nhân, tập thể thực hiện tốt Chỉ thị.

Theo Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ