(GD&TĐ) - Sáng nay 28/3 tại Hải Phòng, Ban vì tiến bộ phụ nữ - Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo tham vấn kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 của Ngành GD. Chủ trì Hội thảo có ông Trần Kim Tự - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Phó trưởng ban Thường trực Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ngành GD, bà Hồ Lam Trà – Phó Chủ tịch Công đoàn GDVN - Phó trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ngành GD, cùng đại diện Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNDP) và đông đảo cán bộ ngành GD cả nước.
Theo số liệu thống kê, ở nước ta, số nam giới làm cán bộ quản lý (CBQL) cao hơn năm lần so với nữ giới. Ngay cả trong những ngành có đông cán bộ nữ như ngành GD tỷ lệ nữ chiếm đa số, nhưng nam giới thường vẫn đứng đầu các cơ sở GD, số lượng, tỷ lệ nữ tham gia quản lý còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của họ.
Ông Trần Kim Tự phát biểu khai mạc Hội thảo |
Trong GD-ĐT, sự bất bình đẳng bén rễ ngay trong hệ thống GD và biểu hiện ở tỷ lệ HS nữ tham gia ở cấp tiểu học và THCS thấp hơn tỷ lệ HS nam, nhất là ở các vùng nghèo và vùng dân tộc thiểu số. HS nam có nhiều cơ hội quay trở lại học tiếp hơn HS nữ.
Tỷ lệ trẻ em gái ở các tỉnh miền núi đi học còn thấp, chủ yếu là các em phải ở nhà giúp gia đình, trường nội trú ở quá xa nhà và một vài nơi vẫn còn tục lệ lấy chồng sớm. Báo cáo “Đánh giá tình hình giới ở Việt Nam 12-2006” do các tổ chức quốc tế: WB, ADB, DFID và CIDA phối hợp thực hiện cho thấy, trong quá trình đổi mới nội dung, chương trình SGK, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc lồng ghép giới vào chương trình và các hoạt động ngoài giờ lên lớp, nhưng vẫn chưa chia sẻ nhiều trong việc nhà…
Trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi Luật Bình đẳng giới được thông qua và có hiệu lực, việc thực hiện bình đẳng giới trong GD nói chung và trong quản lý GD đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ nữ cán bộ quản lý GD ngày càng tăng, nhất là ở các cấp học cao, vị thế, vai trò của nữ CBQL ngày càng được khẳng định rõ nét và có những bước tiến vượt bậc.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Theo số liệu thống kê của Dự án hỗ trợ đổi mới quản lý GD (SREM) đã tiến hành khảo sát tại các tỉnh Kiên Giang, Gia Lai, Kon Tum, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang và Phú Yên, nơi được xem là tỉnh “khó khăn” cho thấy: Phụ nữ đang phải gánh nặng gấp hai lần so với nam giới, điều đó có phần ảnh hưởng đến sự phát triển chuyên môn của phụ nữ. Suy nghĩ truyền thống về việc phân chia vai trò của nam giới và nữ giới trong gia đình vẫn còn. Thực tế nhiều trường hợp chồng không chia sẻ công việc nhà với vợ. Công việc gia đình là cản trở chính đối với sự phát triển chuyên môn của phụ nữ, đặc biệt khi họ phải dành thời gian cho tập huấn và tự học.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao quyền hạn hơn nữa cho phụ nữ trong ngành GD, các cấp ngành cần thực hiện những giải pháp nhiều hơn nữa về mặt chính trị, tức là thiết lập một hệ thống luật pháp nhằm thúc đẩy sự bình đẳng giới và đánh giá tác động của các chính sách để bảo đảm hiệu quả. Hay thúc đẩy giải pháp về mặt văn hóa, có nghĩa cần thay đổi nhận thức của mọi người trong xã hội nhằm góp phần loại bỏ những suy nghĩ định kiến về vai trò và chức năng của phụ nữ và nam giới. Thực hiện bình đẳng giới không chỉ liên quan nữ giới mà liên quan cả nam giới vì chỉ khi nào đạt được sự bình đẳng giữa nam giới và nữ giới, chất lượng cuộc sống và điều kiện KT-XH mới được nâng lên...
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Kim Tự - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Phó trưởng ban Thường trực Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ngành GD cho biết: Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành GD&ĐT đã tổ chức nhiều hoạt động quan tâm đến sự tiến bộ của chị em phụ nữ.
Từ khi Luật Bình đẳng giới ra đời, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo tập huấn về lồng ghép bình đẳng giới trong công tác GD-ĐT. Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo lồng ghép giới và GD dân số sức sinh sản vị thành niên vào chương trình của các cấp học và SGK các môn Văn, Sinh, GD công dân, Địa lý, cũng như lồng ghép vào các hoạt động ngoài giờ lên lớp, sách hướng dẫn GV về các hoạt động ngoài giờ lên lớp ở các cấp THCS thông qua một số chủ đề như tình bạn, hoạt động ngoại khoá như: GD quyền trẻ em, GD phòng chống HIV/AIDS…; hay triển khai lồng ghép giới vào chương trình đào tạo CĐ, SP, ĐH vào các chương trình GD thường xuyên, SGK, tài liệu hướng dẫn GV, băng ghi hình, tranh ảnh, GD kỹ năng sống cho phụ nữ nông thôn tại các trung tâm GD cộng đồng…
Ngoài ra, để cải thiện điều kiện và tăng sự tham gia của nữ CBQL trong tiến trình đổi mới quản lý GD, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các dự án của Bộ như: Dự án SREM, dự án phát triển GD THCS II, dự án phát triển GD THPT, dự án Tiểu học vùng khó khăn nhất, dự án ĐH đưa các nội dung về bình đẳng giới thành một hoạt động của dự án… nhằm nâng cao nhận thức cho cả nam giới và phụ nữ ở các cương vị quản lý trong ngành GD về tầm quan trọng của bình đẳng giới trong quá trình đổi mới QLGD, thông qua việc tăng cường sự tham gia của nữ CBQL GD ở các vùng xa xôi, hẻo lánh và làm nổi bật sự đóng góp của họ vào sự nghiệp đổi mới quản lý GD…
Những mục tiêu cụ thể về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ sở GD và các CQ quản lý GD; Hỗ trợ chính sách đặc thù cho nữ GV vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn; Tăng cơ hội tiếp cận với GD cho trẻ em gái, phụ nữ vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn; Loại bỏ định kiến giới trong chương trình SGK phổ thông, tài liệu giảng dạy; Thu hẹp khoảng cách giới trong đào tạo sau ĐH; Nâng cao năng lực về giới cho đội ngũ CBQL và CB làm công tác về bình đẳng giới trong Ngành GD. |
Trung Toàn