Tăng cường quản lý thu chi trong trường học

Tăng cường quản lý thu chi trong trường học
Nguồn đóng góp tự nguyện của PHHS góp phần rất lớn trong các hoạt động GD
Nguồn đóng góp tự nguyện của PHHS góp phần rất lớn trong các hoạt động GD

Xác định và hướng dẫn chi tiết những khoản thu

Bản dự thảo hướng dẫn tăng cường quản lý thu chi trong các trường học mà Phòng Kế hoạch-Tài chính thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra mới đây để các trưởng phòng GD-ĐT quận, huyện đóng góp ý kiến đã xây dựng quy định khá cụ thể về các khoản thu trong năm học đây là tiền đề để đưa ra văn bản hướng dẫn chính thức. Đối với các khoản thu theo quy định: Tất cả các đơn vị trường học thực hiện thu chi học phí theo các quyết định thu học phí của từng địa phương đã ban hành trước khi hợp nhất; từ năm học 2009-2010 bãi bỏ khoản thu đóng góp xây dựng trường... Đối với các khoản thu hộ như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể. Phải nói rằng, đây là những khoản thu tự nguyện, phụ huynh HS có quyền lựa chọn loại hình bảo hiểm vì vậy không được đưa những khoản thu này là những khoản thu bắt buộc trong nhà trường, không giao nhiệm vụ cho GV chủ nhiệm thu. Dự thảo cũng nêu rõ: Nhà trường tạo điều kiện và phối hợp với các tổ chức bảo hiểm triển khai thực hiện công tác bảo hiểm HS, chú trọng công tác tuyên truyền vận động để đông đảo HS tự nguyện tham gia, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho HS...

Đối với các khoản thu thoả thuận như: Tiền ăn, học phẩm, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống, vệ sinh, an ninh... nhà trường phải thực hiện đúng quy trình thoả thuận với CMHS đảm bảo dân chủ, công khai và phải có văn bản thoả thuận tới từng CMHS về cả mức thu và nội dung chi với nguyên tắc thu đủ chi trên tinh thần tự nguyện và có sự thống nhất trong ban giám hiệu nhà trường. Bên cạnh đó, những khoản đóng góp tự nguyện cũng cần được chú trọng. Nhà trường cần làm tốt công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân có điều kiện nguyện vọng đóng góp hỗ trợ kinh phí cho nhà trường.

Đặc biệt, trong văn bản hướng dẫn đã đề cập rõ về những khoản đóng góp của CMHS cho Ban đại diện CMHS trong năm học. Hướng dẫn cũng chỉ ra rằng đây là những khoản thu tự nguyện, không bắt buộc với bất kỳ trường hợp nào. Về kế hoạch triển khai, vào đầu năm học, Ban đại diện CMHS lập kế hoạch thực hiện các hoạt động của Ban theo nội dung thực hiện nghị quyết của cuộc họp CMHS đầu năm học trên cơ sở phối hợp với ban giám hiệu nhà trường để tổ chức thực hiện kế hoạch đã đặt ra... Hướng dẫn nêu rõ, CMHS có quyền từ chối mọi khoản đóng góp khi được Ban đại diện CMHS lớp, Ban đại diện CMHS trường yêu cầu nếu không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện (theo điều 9 Điều lệ Ban đại diện CMHS). Kinh phí tự nguyện đóng góp để nâng cấp, cải tạo CSVC của trường phải rõ nội dung, mức kinh phí huy động phải được thống nhất bằng văn bản của Ban đại diện CMHS, Hiệu trưởng, UBND phường - xã, phòng GD-ĐT, UBND quận-huyện. Tất cả các khoản thu đầu năm phải thông báo công khai bằng văn bản tới từng CMHS. Các trường không được thu gộp các khoản vào đầu năm học.

Cần xác định vai trò và các hoạt động của Ban đại diện CMHS

Các hoạt động của Ban đại diện CMHS thời gian qua đã được ghi nhận như một phần của các hoạt động xã hội hoá GD ở nhiều cơ sở GD tại Hà Nội. Ban đại diện CMHS đã phối hợp chặt chẽ với nhà trường thực hiện chức năng GD HS; góp phần xây dựng CSVC, tăng cường trang thiết bị và điều kiện thực hiện mục tiêu GD toàn diện của nhà trường; góp phần tháo gỡ những khó khăn của nhà trường... Song bên cạnh đó, một số hoạt động của Ban đại diện CMHS vẫn tồn tại những vấn đề mang tính “nhạy cảm”, một vài trường hợp gây bức xúc trong xã hội như: Một số trường chưa nghiêm túc trong việc bầu ra Ban đại diện, tổ chức hoạt động chưa khoa học; đa số các hoạt động của CMHS chỉ dừng lại ở việc đóng góp xây dựng CSVC, chưa tạo ra các hoạt động tích cực để phối hợp với nhà trường trong việc GD đạo đức cho HS hoặc nâng cao chất lượng GD cho HS… Đôi khi Ban đại diện CMHS chưa tạo được sự đồng thuận với các bậc CMHS trong vấn đề thu, chi xây dựng nguồn quỹ hoạt động dẫn đến tình trạng không hiệu quả trong hoạt động của Ban đại diện...

Theo ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội: Muốn thành lập và đưa Ban đại diện CMHS đi vào hoạt động có hiệu quả và đúng quy định, đồng thời để tránh những thắc mắc đáng tiếc, trước hết các Phòng GD-ĐT, các trường phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng những văn bản hướng dẫn về chức năng và phạm vi hoạt động của Ban đại diện CMHS, đặc biệt Ban đại diện CMHS được thành lập không phải nhằm mục đích thu tiền quỹ đầu năm học mà phải xác định rõ hướng hoạt động là nhằm chăm lo cho GD của HS.

Có thể nói đây là định hướng mang tính nhân văn cao, cần được các cấp quản lý cơ sở triển khai theo nguyên tắc lấy trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ.

Trong điều lệ của Ban đại diện CMHS do Bộ GD-ĐT ban hành tháng 3 năm 2008 đã nêu rất rõ về các bước tổ chức và hoạt động của Ban đại diện CMHS trong từng lớp học và trong nhà trường, điều lệ chỉ rõ nhiệm vụ và quyền của Ban đại diện CMHS lớp và nhiệm vụ, quyền của trưởng ban và các thành viên Ban đại diện CMHS lớp. Chính vì vậy, năm học 2009-2010, Sở GD-ĐT Hà Nội đã xây dựng nên phương hướng hoạt động cho Ban đại diện CMHS khá chi tiết. Về nhận thức, cần tuyên truyền phổ biến đến từng CMHS để có sự đồng nhất tư tưởng và nhận thức trong việc chăm lo GD con em; thực hiện tốt công tác phối hợp chặt chẽ 3 môi trường GD là: gia đình – nhà trường –xã hội. Trong đó, môi trường GD gia đình giữ vai trò quyết định. Trong tổ chức và hoạt động, nhà trường cùng Ban đại diện CMHS phối hợp chặt chẽ và tập trung thực hiện các hoạt động ngay từ đầu năm học. Các phòng GD-ĐT và nhà trường cần phối hợp tập huấn, hướng dẫn chi tiết về quy chế hoạt động cho tất cả Ban đại diện CMHS theo đúng Điều lệ mà Bộ GD-ĐT đã ban hành... Đặc biệt, Phòng GD-ĐT cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của Ban đại diện CMHS, đây được xem là khâu quan trọng nhằm duy trì tốt hoạt động đúng và hiệu quả của Ban đại diện CMHS.

Phải công khai thu chi nguồn quỹ của Ban đại diện CMHS

Nguồn đóng góp từ tinh thần tự nguyện của các bậc phụ huynh góp phần rất lớn trong các hoạt động đầu tư cho GD tại các trường. Công tác thu, chi nguồn kinh phí của Ban đại diện CMHS phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế của từng nơi và từng địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện sao cho đúng, tránh tình trạng hiểu nhầm về nguồn thu này đòi hỏi phải có những hướng dẫn cụ thể và có những định hướng công khai và rõ ràng trên tinh thần tự nguyện đóng góp.

Chính vì vậy, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành hướng dẫn cụ thể cho việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí này. Theo đó, Trưởng ban đại diện CMHS lớp chủ trì phối hợp với GV chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được đóng góp, tài trợ, hiện vật được biếu tặng và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên Ban đại diện CMHS thống nhất ý kiến; Trưởng ban đại diện CMHS trường thống nhất với hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí huy động được và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện CMHS trường thống nhất ý kiến.

Việc thu chi kinh phí của Ban đại diện CMHS phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, báo cáo công khai tình hình thu chi và quyết toán kinh phí tại các cuộc họp CMHS lớp và cuộc họp toàn thể Ban đại diện CMHS trường. Ban đại diện CMHS chịu trách nhiệm thu, chi; thực hiện chứng từ quyết toán và phải bầu ra chủ tài khoản, phụ trách ghi sổ và thủ quỹ. Kinh phí hoạt động của ban phải được gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng do chủ tài khoản đứng tên. Trong khi đo, nhà trường phải có trách nhiệm cử đại diện Ban giám hiệu làm nhiệm vụ thường xuyên phối hợp với Ban đại diện CMHS trường trong việc tổ chức hoạt động của các Ban đại diện CMHS và hoạt động của CMHS...

Việc chấn chỉnh công tác thu, chi đầu năm học tại tất cả các cơ sở GD trên toàn thành phố là hành động kịp thời của lãnh đạo ngành GD-ĐT Hà Nội. Có thể nói ngành GD Hà Nội đang hướng tới một năm học ổn định và phát triển theo hướng bền vững với sự đồng thuận cao trong nhà trường – gia đình và xã hội.

Hồng Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ