Tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cơ bản cho trẻ em ngoài nhà trường

GD&TĐ - Ngày 16/9, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo tổng kết Dự án Tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cơ bản trẻ em ngoài nhà trường.

Quang cảnh buổi Hội thảo.
Quang cảnh buổi Hội thảo.

Hội thảo do Viện Khoa học Giáo dục (KHGD) Việt Nam tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của đại diện Bộ GD&ĐT, UNESCO Bangkok, Good Neighbors International (GNI) Hàn Quốc, các Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Ninh Thuận, Gia Lai, Đồng Tháp, các chuyên gia và giáo viên quan tâm tới dự án.

Chương trình học tập linh hoạt

GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam trình bày kết quả thực hiện cho thấy: Các nghiên cứu đã tìm hiểu hiện trạng của hệ thống giáo dục không chính quy của Việt Nam và các vấn đề xung quanh việc áp dụng và triển khai học tập linh hoạt cho trẻ em và trẻ em ngoài nhà trường.

Những nghiên cứu này cũng tìm cách khám phá các vấn đề và hàm ý xung quanh việc áp dụng và thực hiện phương pháp học tập linh hoạt cho trẻ em và trẻ em thông qua các nghiên cứu điển hình trong nước và quốc tế.

Mục tiêu của dự án là xây dựng chương trình học tập linh hoạt, tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cơ bản cho trẻ em ở độ tuổi trung học cơ sở ngoài nhà trường và học sinh bỏ học, hay những người chưa hoàn thành chương trình học, học sinh gặp khó khăn khi tiếp cận giáo dục cơ bản tại Việt Nam.

GS.TS Lê Anh Vinh phát biểu tại Hội thảo.

GS.TS Lê Anh Vinh phát biểu tại Hội thảo.

Nội dung thực hiện của dự án bao gồm: Xây dựng khung chương trình tương đương; Số hóa tài liệu dạy – học; Thiết lập hệ thống quản lý học tập; tập huấn cho giáo viên; Thử nghiệm tại một số tỉnh và đánh giá bước đầu cũng như trao giấy chứng nhận cho học sinh tham gia học tập.

Khung nội dung môn học/hoạt động giáo dục cho trẻ em ngoài nhà trường được xây dựng theo tinh thần tinh giản, lựa chọn một số nội dung, kiến thức kĩ năng cơ bản, cốt lõi từ lớp 4 đến lớp 9 từ nội dung và yêu cầu cần đạt trong chương trình Giáo dục Phổ thông môn học 2018.

Đảm bảo tính khả thi trong việc tự học đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn không được tới trường thường xuyên, góp phần giúp các em giải quyết được những vấn đề đơn giản trong cuộc sống có liên quan đến môn học. Việc xây dựng chương trình đảm bảo tính mềm dẻo (về nội dung, phương pháp, kế hoạch dạy học) phù hợp với nhận thức của học sinh, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, cấu trúc và nội dung được tổ chức theo lớp, khối và các chủ đề.

Các đại biểu tham dự và phát biểu trực tuyến

Các đại biểu tham dự và phát biểu trực tuyến

Nhiều nội dung thiết thực

Đại diện của các Sở GD&ĐT tham gia Dự án cho biết khi thực hiện dự án tại nhà trường, học sinh hiểu bài hơn và vận dụng kiến thức vào làm bài tập hiệu quả do được học những tiết học với hình ảnh, âm thanh sinh động.

Hơn nữa, việc được tự do tương tác trong tiết học khiến học sinh thích thú hơn và tích cực làm việc hơn. Đại diện các trường mong rằng dự án bổ sung thêm nội dung và đa dạng các môn học và cấp học, tiến tới một chương trình tổng thể cho trẻ em ngoài nhà trường.

Bế mạc hội thảo, GS.TS Lê Anh Vinh cho biết sẽ cố gắng hoàn thiện dự án thành một sản phẩm đa mục tiêu với hướng mở nhất và đơn giản nhất có thể. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ nỗ lực tìm kiếm nguồn hỗ trợ để làm sâu thêm nội dung của chương trình và tiếp tục phát triển dự án này với mong muốn giúp cho việc học trở nên dễ dàng và thú vị hơn.

"Các sản phẩm của Dự án cần hiệu quả, thiết thực và đáp ứng yêu cầu thực tế để các thầy cô trên khắp cả nước chia sẻ và lan tỏa để các bài học có thể tiếp cận nhiều người học nhất có thể" - GS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh

Dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cơ bản cho trẻ em ngoài nhà trường thông qua các chương trình học tập linh hoạt tại Việt Nam” là một phần của đề án đa quốc gia, có sự tham gia của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, nhằm mục đích hỗ trợ mỗi chính phủ trong việc tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cơ bản cho trẻ em và thanh niên ngoài nhà trường và những người học có hoàn cảnh khó khăn thông qua các giải pháp học tập linh hoạt. Đây là mong muốn và Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa điều này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.