Tăng cường GDTC để hình thành nhân cách, lối sống lành mạnh trong HS

Tăng cường GDTC để hình thành nhân cách, lối sống lành mạnh trong HS

(GD&TĐ) - Lâu nay công tác giáo dục thể chất (GDTC) trong nhà trường phổ thông đã trở thành mối quan tâm của Đảng và Nhà nước ta. Điều 20 Luật TDTT ghi rõ: “GDTC là môn học chính khoá thuộc chương trình GD nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản cho người học thông qua các bài tập và trò chơi vận động, góp phần thực hiện mục tiêu GD toàn diện trong nhà trường”.

Trên thực tế, các Bộ, ngành cùng các nhà trường đã tích cực xây dựng CSVC, chuẩn hoá đội ngũ GV thể dục, đưa việc nâng cao sức khoẻ, thể lực của HS trở thành mục tiêu quan trọng, xuyên suốt từ bậc tiểu học đến hết THPT. Tuy những năm gần đây môn GDTC đã được cải thiện rõ rệt, nhưng nội dung chương trình giảng dạy vẫn còn nghèo nàn, chất lượng bài học còn thấp, đơn điệu, mật độ vận động chưa cao...

Cần tạo thêm nhiều hơn nữa những sân chơi nhằm thu hút các em HS để các em tránh xa các tệ nạn xã hội
Cần tạo thêm nhiều hơn nữa những sân chơi nhằm thu hút các em HS để các em tránh xa các tệ nạn xã hội

 Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, từ năm 2008 đến nay, hình thức tổ chức các hoạt động GDTC  trong các trường học ngày càng đa dạng, phong phú. Đặc biệt, việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” đã tạo cơ hội đưa các trò chơi dân gian, trò chơi vận động, trò chơi truyền thống và các môn thể thao truyền thống của dân tộc vào trường học, thu hút sự hưởng ứng của đông đảo HS, cán bộ, GV, phụ huynh. Đánh giá về công tác GDTC  từ 2008 đến 2012 cho thấy Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo xây dựng nhiều chương trình thể dục mới cho các cấp học từ lớp 1 đến lớp 12, tổ chức viết và hoàn thiện hệ thống sách về GDTC của các cấp.

Cùng với việc đổi mới chương trình và SGK phổ thông, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đổi mới chương trình và giáo trình đào tạo GV tiểu học, THCS, THPT với mục đích nâng cao trình độ sư phạm cho các GV thể dục. Trong quá tình đổi mới về công tác thiết bị dạy học bộ môn, Bộ GD&ĐT đã thực hiện chủ trương khuyến khích GV ứng dụng CNTT trong dạy học. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã quan tâm chỉ đạo và hướng dẫn các hoạt động nghiên cứu khoa học GDTC từ cấp trường.

Tính hết năm học 2011-2012, tất cả các trường học trong cả nước đã tiến hành dạy và học môn thể dục theo chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành từ lớp 1 đến lớp 12 và có gần 90% HS đạt tiêu chuẩn thể lực theo quy định. Việc GDTC được thực hiện theo hướng trang bị những kiến thức về kỹ năng vận động cơ bản, GD các tố chất thể lực, góp phần quan trọng vào việc GD đạo đức, lối sống lành mạnh, hình thành nhân cách cho HS, hạn chế các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn trong nhà trường và xã hội

Để nâng cao chất lượng công tác GDTC cho HS, từ năm 1991 đến nay, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều hội nghị khoa học GDTC và y tế trường học trong toàn ngành  với sự tham gia và đóng góp ý kiến của đông đảo các nhà khoa học, những người quan tâm tới GDTC trong các nhà trường phổ thông. Bên cạnh việc tăng cường đội ngũ GV thể dục, việc xây dựng CSVC cũng đã được quan tâm đầu tư.

Tính đến tháng 6/2012 cả nước đã có 53.000 GV TDTT (104 thạc sĩ, 27.556 ĐH, 14.827 CĐ, 3.135 trung cấp, 674 sơ cấp). Nhà tập luyện và thi đấu đa năng cũng tăng gần 2 lần (833 năm 2008 – 1.446 năm 2012), nhưng mới chỉ đạt 5,6% trong các nhà trường trên toàn quốc (27.500 trường học), tỷ lệ này vẫn còn quá thấp trong điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường như ở Việt Nam. Đáng kể nhất đó là số bể bơi đã được tăng từ 18 bể năm 2008, lên 353 bể bơi năm 2012, và hiện nhiều địa phương đang tích cực đầu tư triển khai xây dựng bể bơi nhằm phục vụ cho các em HS. Tuy nhiên, số lượng sân tập, nhà thi đấu, bể bơi... này vẫn còn quá ít so với đòi hỏi thực tế hiện nay của các em HS. 

Để giảm thiểu tình trạng đuối nước, các trường, các cơ sở GD cần tăng cường phổ cập bơi cho các em HS

Thực hiện sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT, công tác GDTC và thể thao tại các nhà trường phổ thông của các tỉnh, thành phố đã có những chuyển biến rõ rệt. Nhiều trường học của một số tỉnh tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã có những câu lạc bộ TDTT với những trang thiết bị đầy đủ, đội ngũ GV ngày càng được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ sư phạm, trình độ chuyên môn. Chẳng hạn như tỉnh An Giang - một tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc - cũng là một trong những đơn vị chỉ đạo điểm về GDTC. Trong những năm qua công tác GDTC và thể thao trong nhà trường phổ thông của An Giang luôn được quan tâm phát triển: 100% các trường phổ thông trong tỉnh thực hiện đúng và giảng dạy đủ chương trình môn thể dục do Bộ ban hành, thường xuyên tổ chức giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm giữa các trường trong địa bàn nhằm nâng cao trình độ cho cho GV, cũng như kinh nghiệm thi đấu cho các em HS... 

Ngoài ra, cũng phải kể đến các hoạt động hiệu quả của Ngành GD Sơn La, nhiều năm qua đã thường xuyên mở các khoá bồi dưỡng cho các GV thể dục, trong đó chú trọng bồi dưỡng về kỹ năng, động tác, bồi dưỡng về kiến thức, về phương pháp sư phạm. Hướng đi của Sơn La có cái đặc biệt là chú trọng đến phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi của HS... Đồng thời có hướng đi riêng khi đặc biệt chú trọng đến hoạt động ngoại khoá trong các trường học, gây dựng phong trào thể thao từ cơ sở trường học, đến huyện, tỉnh... và hoàn thành tốt công tác GDTC và thể thao trong các trường học...

Bên cạnh những gì đã làm được, thực tế phải thừa nhận công tác GDTC trong trường học thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Hiện nay, trong cả nước mới chỉ có khoảng 25% số trường tiểu học có GV thể dục chuyên trách, chủ yếu là ở các trường điểm và các thành phố, còn lại do GV chủ nhiệm kiêm nhiệm dạy môn  thể dục. Ở các trường THCS, có đến 20% số tiết thể dục do GV chủ nhiệm giảng dạy.

Ngoài ra, hệ thống chế độ, chính sách đối với GV thể dục còn nhiều bất cập. Nội dung kỹ thuật nhiều môn thể thao trong chương trình còn mang xu hướng nặng nề, cầu toàn, có nhiều kỹ thuật quá khó không phù hợp với đặc điểm sức khoẻ, lứa tuổi của HS. Nhiều nơi, giờ học thể dục vẫn còn mang tính hình thức, HS tham gia với tâm thế bị bắt buộc, gượng ép. CSVC kỹ thuật phục vụ công tác GDTC trong trường học (nhà tập, sân tập, sân chơi, bể bơi, dụng cụ tập luyện…) nhìn chung còn thiếu và yếu, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, miền núi…

Để giảm thiểu tình trạng đuối nước, các trường, các cơ sở GD cần tăng cường phổ cập bơi cho các em HS
Để giảm thiểu tình trạng đuối nước, các trường, các cơ sở GD cần tăng cường phổ cập bơi cho các em HS

Nhằm khắc phục những hạn chế và nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác GDTC trong thời gian tới, tại Hội nghị công tác về GDTC mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý một số điểm cần thiết phải triển khai là: Cần tăng cường các giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác  GDTC trong trường phổ thông. Đặc biệt quan tâm đến HS nghèo, HS có hoàn cảnh khó khăn, HS ở vùng sâu, vùng xa, miền núi. GD cho HS những kiến thức, kỹ năng thực hành, kỹ năng sống để thay đổi thói quen tập luyện TDTT, hình thành được những thói quen và hành vi sống khoẻ, sống tích cực, tránh xa các tệ nạn xã hội. Xây dựng môi trường vui chơi, học tập lành mạnh trong các trường học.

Ngành GD-ĐT cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp với gia đình, cộng đồng tổ chức các hoạt động TDTT ngoài trường học. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hoá công tác TDTT trong nhà trường với sự tham gia của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội, PHHS và cộng đồng. Xây dựng chương trình, nội dung, đổi mới phương pháp dạy và học môn thể dục theo chương trình đổi mới của Ngành GD sau năm 2015. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động TDTT quần chúng, tạo điều kiện nâng cao thành tích thể thao trong HS. Chú trọng xây dựng và quản lý thống nhất nội dung, hình thức thi đấu thể thao HS phổ thông từ cơ sở đến Trung ương; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về công tác TDTT trong trường học. Đặc biệt, cần phổ cập bơi cho các em HS, nhằm giảm thiểu tình trạng đuối nước như hiện nay…

Nguyễn Trung Toàn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ