Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu

GD&TĐ -  Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu còn một số mặt hạn chế.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu

Nhiều bất cập trong quá trình triển khai Luật Đấu thầu

Mới đây, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 và tiếp tục xem xét tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu sau 10 năm thi hành, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội nêu quan điểm cần phân tích rõ nguyên nhân, thực trạng về những bất cập, vướng mắc của luật hiện hành để đề xuất giải pháp sửa đổi luật hoàn thiện hơn.

Đại biểu nêu thực tế, quá trình triển khai thi hành Luật Đấu thầu đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Đặc biệt, quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư chưa thống nhất, quy định về hình thức lựa chọn thầu, chỉ định thầu trong trường hợp đặc biệt còn thiếu cụ thể, chưa đáp ứng được điều kiện lựa chọn nhà thầu trong việc mua sắm đặc thù, hoặc mua sắm phòng chống dịch bệnh…

Các quy định về phương thức đánh giá chưa thực sự tạo ra cơ chế hiệu quả linh hoạt trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ công trình có chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu sử dụng, nhất là việc mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư trang thiết bị y tế.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc của luật hiện hành.
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc của luật hiện hành.

Ngoài ra, các quy định về đấu thầu còn thiếu quy định cụ thể về hồ sơ mời thầu trong khi đây là nội dung rất quan trọng, nếu quy định không chặt chẽ dẫn tới tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, tạo sự cạnh tranh không bình đẳng, không lành mạnh trong quá trình tổ chức đấu thầu; một số quy định trong văn bản hướng dẫn thực thi luật chưa chặt chẽ, dẫn tới tình trạng tùy tiện trong phát hành hồ sơ mời thầu.

Một số quy định của Luật Đấu thầu đã phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Luật Đấu thầu chưa có quy định đầy đủ nhằm khuyến khích mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, thay thế hàng hóa nhập khẩu; ưu đãi cho mua sắm hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được cung cấp từ các nhóm yếu thế trong xã hội; mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh.

Bên cạnh đó, sau khi Luật Đấu thầu được ban hành, một số Luật liên quan đã sửa đổi hoặc có quy định khác so với Luật Đấu thầu.

Điều đó đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Luật Đấu thầu nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn, xung đột trong quá trình thi hành Luật này.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu còn một số mặt hạn chế, như hành vi "thông thầu", "gian lận"… vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi; năng lực, kinh nghiệm của một số người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu chưa đáp ứng yêu cầu

Xử lý nghiêm minh

Những bất cập trong quá trình triển khai thi hành Luật Đấu thầu đã bị không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Điển hình là những sai phạm nghiêm trọng trong "đại án" Việt Á đã gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong dư luận.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh.

Qua điều tra, từ năm 2017 đến 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện 17 gói thầu mua sắm thiết bị dạy và học với tổng trị giá hơn 250 tỷ đồng. Trong đó, 15 gói thầu mua sắm tập trung với tổng trị giá hơn 240 tỷ đồng, 2 gói thầu còn lại do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh tự mua sắm.

Quá trình thực hiện việc đấu thầu cung cấp thiết bị giáo dục, những đơn vị trúng thầu đã có sự tráo đổi phụ lục trong phần hồ sơ. Ngoài ra, một số gói thầu có hiện tượng các thành viên liên danh trúng thầu ký hợp đồng mua bán hàng hóa cho nhau, hoặc qua một đơn vị trung gian nhằm đẩy giá thiết bị để hợp thức hóa giá trúng thầu, giá hợp đồng. So sánh giá nhập khẩu và giá bán lại cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, số tiền chênh lệch tại những gói mua sắm thiết bị dạy và học được các đơn vị trúng thầu "thổi" lên cao hơn 60 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 12/09/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công Hà Tĩnh thuộc Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị liên quan.

Thời gian gần đây, báo chí thông tin về một số công ty có tỷ lệ trúng thầu lên tới 99 - 100%.

Điển hình như Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Minh Tuấn đã trúng liên tiếp 145 gói thầu, tỉ lệ trúng 100% các gói thầu được mở với tổng giá trị hơn 2.259 tỷ đồng và hầu hết các gói thầu này đều thực hiện trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo cập nhật trên các trang công khai thông tin đấu thầu, từ năm 2017 đến tháng 11/2022, Công ty Minh Tuấn đã trúng 145 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu hơn 2.259 tỷ đồng. Tỉ lệ trúng thầu của Công ty Minh Tuấn là 100% các gói thầu đã được mở.

Trong năm 2017 Công ty Minh Tuấn trúng 15 gói thầu, năm 2018 trúng thầu 11 gói thầu, năm 2019, trúng thầu 20 gói thầu, đến năm 2020, Công ty Minh Tuấn trúng thầu 32 gói thầu, năm 2021, trúng thầu 37 gói thầu và năm 2022 công ty này trúng 30 gói thầu.

Trong tháng 7/2022, Công ty Minh Tuấn được phê duyệt trúng 7 gói thầu trên địa bàn. Thời gian phê duyệt kết quả trúng thầu của các gói thầu cho Công ty Minh Tuấn cách nhau vài ngày, có ngày công ty này được phê duyệt trúng 2 gói thầu.

Một trường hợp tương tự là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương Mại Hoàng Gia (Công ty Hoàng Gia) có tỷ lệ trúng thầu lên tới 97,7%, đa số các gói thầu mà công ty này tham gia đấu thầu ở trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cụ thể, Công ty Hoàng Gia đã tham gia 87 gói thầu có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó Công ty Hoàng Gia đã trúng 85 gói thầu, trượt 1 gói và 1 gói chưa có kết quả. Tổng giá trị trúng thầu của Công ty Hoàng Gia cũng đạt hơn 1.117 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.