Tân Bộ trưởng Giáo dục Pháp hứng chỉ trích vì con học trường tư

GD&TĐ - Ba ngày sau khi nhậm chức Bộ trưởng Giáo dục Pháp, bà Amélie Oudéa-Castéra, đã đối mặt với áp lực đầu tiên vì quyết định cho con học trường tư.

Tân Bộ trưởng Giáo dục Pháp, bà Amélie Oudéa-Castéra.
Tân Bộ trưởng Giáo dục Pháp, bà Amélie Oudéa-Castéra.

Bà được cho là “quay lưng” với trường công và những khó khăn của hệ thống giáo dục công lập.

Cụ thể, khi phóng viên hỏi về việc học tập của con cái, bà Amélie Oudéa-Castéra cho biết các con đang theo học trường tư do tại trường công, “giáo viên thường xuyên vắng mặt, không có người dạy thay”.

Câu trả lời của bà Amélie ám chỉ tình trạng thiếu giáo viên trong hệ thống giáo dục công lập, vấn đề nghiêm trọng của ngành Giáo dục Pháp trong nhiều năm gần đây.

“Tại một thời điểm nào đó, chúng ta cảm thấy chán nản, giống như hàng trăm nghìn gia đình đã chọn tìm kiếm một giải pháp khác”, bà Amélie nói.

Tuy nhiên, giáo viên trường công và đại diện Công đoàn giáo viên cáo buộc bà Amélie đã phát ngôn “vô lý và gây kích động”. Các con của bà Amélie đang theo học tại Trường Stanislas, trường tư thục danh tiếng tại Paris, Pháp. Ngôi trường này thường dành cho những gia đình giàu có hoặc giới tinh hoa tại thủ đô.

Theo tờ Libération, con trai bà Amélie chỉ học một học kỳ tại trường mẫu giáo công lập Littré. Giáo viên chủ nhiệm khẳng định lớp của cậu bé không bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu giáo viên công lập. Cậu bé đi học mẫu giáo vào năm 2009, thời điểm đó tình trạng thiếu giáo viên tại Pháp chưa gây nhức nhối như hiện nay.

Ông Jordan Bardella, lãnh đạo đảng cực hữu RN, nhấn mạnh bà Amélie “phải chịu trách nhiệm cho những lời nói dối của mình”. Ông cho biết thêm trọng tâm của vấn đề không nằm ở mô hình trường học của con cái bà Amélie.

Vấn đề nằm ở thái độ chỉ trích của bà Amélie đối với giáo dục công. Phát ngôn của bà Amélie cũng làm lu mờ nỗ lực của Tổng thống Emmanuel Macron trong 7 năm qua khi cố gắng nâng cao chất lượng của ngành Giáo dục Pháp.

Thiếu giáo viên là tình trạng gây nhức nhối tại Pháp. Trước thềm năm học 2023 - 2024, Pháp ước tính các trường công lập thiếu 3.000 giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên gây mất 15 triệu giờ giảng dạy một năm học.

Có nhiều nguyên nhân khiến Pháp thiếu giáo viên. Một trong số đó là lương của giáo viên công lập Pháp thấp hơn mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Một giáo viên Pháp có 15 năm kinh nghiệm thu nhập khoảng 40 nghìn euro một năm, thấp hơn 20% so với mức trung bình. Ngoài ra, giáo viên phải giảng dạy nhiều giờ hơn so với đồng nghiệp ở OECD, quản lý đông học sinh...

Để giải quyết tình trạng trên, năm 2022, Chính phủ Pháp triển khai kế hoạch tuyển dụng giáo viên hợp đồng. Những người này được đào tạo 4 ngày trước khi đứng lớp dù không có kinh nghiệm giảng dạy trước đó.

Tình trạng thiếu giáo viên đã góp phần khiến hệ thống giáo dục công lập Pháp sụt giảm. Theo kết quả PISA năm 2022, trình độ của học sinh Pháp đã tụt hạng so với kết quả năm 2018.

Trong bối cảnh trên, trước khi nhậm chức Bộ trưởng Giáo dục, bà Amélie được kỳ vọng sẽ giải quyết những khó khăn tồn đọng trong hệ thống giáo dục công lập Pháp. Vì vậy, với những phát ngôn “quay lưng” với trường công, bà Amélie đang đối mặt với áp lực và sự phản đối mạnh mẽ chưa từng có.

Bà Guislaine David, thuộc Hiệp hội Giáo viên Snuipp-FSU, bất bình: “Ngay ngày đầu tiên đảm nhận vị trí Bộ trưởng Giáo dục, bà ấy đã tấn công các trường công lập. Phát ngôn của bà Amélie là vô lý. Nếu không có giáo viên dạy thay là do hàng nghìn việc làm đã bị cắt giảm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.