Người đời thường nói "Quan Vũ sơ ý mất Kinh Châu", thực tế nguyên nhân đằng sau của sự việc này không hề đơn giản như vây. Mặc dù không thể hoàn toàn trách Quan Vũ, nhưng ông cũng phải chịu trách nhiệm không nhỏ cho thất bại này.
Dựa theo tình hình lúc đó, bề ngoài thì việc để mất Kinh Châu là do Quan Vũ tham lập công, liều lĩnh dẫn quân tiến công, khiến sức phòng thủ của Kinh Châu bị giảm, nhưng thực tế là do thực lực nhà Thục Hán lúc đó chưa đủ và chính sách ngoại giao thất bại của Quan Vũ.
Sau khi Lưu Bị bình định Xuyên Thục, đã phong Quan Vũ làm Thống đốc Kinh Châu, tiếp quản 5 quận (gồm: Nam quận, Trường Sa, Linh Lăng, Vũ Lăng, Quế Dương).
Thành tựu cai quan Kinh Châu của Quan Vũ cũng khá rõ rệt, bộ máy chính quyền được tổ chức tốt, quân dân tạm thời được hưởng cuộc sống thái bình.
Với sự trỗi dậy mạnh mẽ của quân đội Lưu Bị, Tôn Quyền cũng muốn có được nhiều lợi ích chiến lược hơn nữa. Vì vậy sau khi Lưu Bị chiếm được Ích Châu, Tôn Quyền đã rất nhanh chóng muốn đòi lại Kinh Châu mà Lưu Bị dùng chữ "mượn" để có được.
Lưu Bị không chịu, trả lời yêu cầu của Tôn Quyền rằng: "Để đánh Lương Châu, không thể tách rời Kinh Châu".
Tôn Quyền không hài lòng với câu trả lời của Lưu Bị, ra lệnh cho Lỗ Túc thảo phạt Kinh Châu. Lỗ Túc nghĩ cho đại cục, quyết định đơn thương độc mã đến thỏa hiệp với Quan Vũ, thế nhưng thái độ của Quan Vũ còn cứng rắn hơn Lưu Bị, thẳng thừng từ chối ý định phân chia Kinh Châu.
Tôn Quyền tức giận, hạ lệnh cho Lỗ Túc và Lã Mông động binh. Quân Ngô tập kích phía nam Kinh châu, chiếm 3 quận Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa.
Quan Vũ chỉ còn giữ được nửa Nam quận và các quận Vũ Lăng, Nghi Đô. Lưu Bị ở Ích châu được tin, vội mang quân ra thành Công An thuộc quận Vũ Lăng, chuẩn bị giao chiến.
Nhưng lúc đó Tào Tháo đang chuẩn bị đánh chiếm Đông Xuyên của Trương Lỗ, Tây Xuyên bị uy hiếp. Lưu Bị không thể ở lại theo đuổi cuộc chiến với Tôn Quyền, đành phải nhượng bộ và đề nghị chính thức công nhận chủ quyền 3 quận Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa cho Đông Ngô, xin đổi lấy Nam quận.
Tôn Quyền chấp thuận giảng hòa, phân chia lại Kinh châu, lấy sông Tương Thủy làm ranh giới.
|
Quan Vũ có lý khi tấn công Tương-Phàn, nhưng lại phạm sai lầm trong vấn đề ngoại giao và xử lý quân vụ. |
Sau khi Lưu Bị giành thắng lợi trước Tào Tháo ở đại chiến Hán Trung, Quan Vũ lệnh cho Mi Phương trấn thủ Giang Lăng, Phó Sĩ Nhân trấn thủ thành Công An, còn ông đích thân dẫn quân tấn công Tương Dương – Phàn Thành do Tào Nhân trấn thủ.
Quan Vũ dù trước đó đã bị thương nhưng vẫn vây hãm Phàn Thành khiến Tào Nhân không dám lộ diện, dùng nước lũ nhấn chìm 30.000 vạn viện quân của Vu Cấm, trảm Bàng Đức, uy trấn thiên hạ. Tuy nhiên tại thời điểm này, Quan Vũ đã đưa ra 3 quyết định sai lầm, khiến ông đang từ đỉnh uy phong rơi xuống vực thẳm.
Thứ nhất, để có thể nhanh chóng công hạ Phàn Thành, đánh bại Tào Nhân, Quan Vũ đã điều động hầu hết binh mã lên tiền tuyến, khiến hậu phương Kinh Châu gần như trống rỗng.
Thứ hai là trước khi mở chiến dịch đánh Tương Phàn, Quan Vũ lại phá bỏ hòa khí với Tôn Quyền, không những từ chối làm thông gia mà còn nhục mạ họ Tôn là "Hổ nữ sao có thể gả cho khuyển tử".
Thứ ba là khiến hai tướng trấn thủ hậu phương là Mi Phương và Phó Sĩ Nhân bất mãn, chỉ vì chuyện quân lương cung ứng không đủ mà mắng mỏ trừng phạt họ.
Với ba sai lầm như vậy thì hậu phương sao mà không xảy ra vấn đề được?
Vì vậy trong khi Quan Vũ chưa hạ được Tương Dương và Phàn Thành thì Tôn Quyền sai Lã Mông và Lục Tốn đánh úp Kinh châu thuộc Thục. Lã Mông nhanh chóng đánh chiếm Giang Lăng (Nam quận) và Công An (Vũ Lăng) của Quan Vũ, các tướng My Phương và Phó Sĩ Nhân đầu hàng.
Cùng lúc, Lục Tốn nhận chức thái thú Nghi Đô của Tôn Quyền, ra quân từ Lục Khẩu, tấn công Nghi Đô. Thái thú Nghi Đô là Phàn Hữu bỏ thành chạy. Lục Tốn tiến lên chiếm giữ luôn Tỷ Quy và Di Đạo, đóng quân ở Di Lăng.
Quan Vũ bị viện binh quân Tào của Từ Hoảng đánh mặt trước, chạy về không còn đường thoát, cuối cùng bị quân Đông Ngô bắt giết.