Không bàn về chuyện đúng sai của vụ án nhưng hình ảnh bà Loan suốt 12 năm đằng đẵng kiên trì đi gửi đơn kêu cứu cho con từ Nam ra Bắc có lẽ vẫn còn phảng phất trong tâm trí nhiều người mãi vể sau. Mặc dù biết không thuộc thành phần tham dự phiên tòa giám đốc thẩm và sự hiện diện của mình cũng không thay đổi được công lý nhưng bà Loan vẫn lặn lội đến gần trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, nhìn vọng vào như thể trông chờ một điều kỳ diệu nào đó.
12 năm qua đã trở thành một phản xạ tự nhiên, hễ gặp ai hỏi đến chuyện của con trai là bà Loan cứ thế tuôn ra ồ ạt. Những tập hồ sơ gồm đơn kêu oan, biên bản trả lời của các cơ quan... theo ngày tháng dài như cuộc đời của chính bà, gặp ai cũng phát ra với mong muốn có thêm hy vọng minh oan cho đứa con trai. Từ một người phụ nữ học hành không nhiều, mù mờ về pháp luật, thế nhưng 12 năm gõ cửa kêu cứu cho Hồ Duy Hải khiến bà trở nên thông thạo nhiều về hệ thống pháp luật.
Có người cho rằng với bản án cả ba cấp vẫn còn gây tranh cãi, thì việc một người mẹ đi kêu oan cho con là Hồ Duy Hải cũng dễ hiểu. Thậm chí ngay cả khi bản án thuyết phục được đại đa số những người theo dõi vụ việc, thì chuyện một người mẹ như bà Loan có niềm tin rằng con mình vô tội và đi gõ cửa cơ quan công quyền để kêu oan cũng là điều hết sức bình thường.
Thế giới đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật ca ngợi về tình mẫu tử. Khi nhận xét đoản văn “Bông hồng cài áo” của thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết ông thích nhất phần mở đầu: “Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không lớn lên được. Cằn cỗi, héo mòn”.
Nhìn vào bà Loan từ mái tóc xanh với hành trình kêu oan 12 năm cho con đến nay đã điểm nhiều sợi bạc, có lẽ không ai ngạc nhiên bởi đó là tình mẫu tử thiêng liêng, không người mẹ nào đành lòng bỏ rơi con mình. Bên câu chuyện kêu oan cho con, người ta còn thấy trong bà chất chứa những tia hy vọng cho dù rất mong manh. Như lời của bà từng chia sẻ: “Chừng ấy năm, một bên ngực tôi treo bản giám định dấu vân tay của Hải, một bên gắn tấm ảnh của con trai. Chỉ riêng chứng cứ dấu vân tay cũng chứng minh hung thủ không phải nó...”.
Câu chuyện 12 năm đi kêu cứu cho con của bà Loan như thêm phần minh chứng cho sự sinh động của các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề tình mẫu tử. Xin gửi tặng bà - một người mẹ kiên cường, một bông hồng của tình mẫu tử như lời của ca khúc “Bông hồng cài áo”: “Và một bông hồng cho những ai/ Cho những ai đang còn mẹ/ Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn”.